Theo Báo Chính phủ, số liêu từ trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 3/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 290.628.557 ca mắc COVID-19 và 5.460.281 ca tử vong.
Số ca hồi phục là 254.525.826 ca. Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận khoảng 823.362 ca mắc và 2.949 ca tử vong.Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 88,74 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 84,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 66,43 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,86 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,87 triệu ca và châu Đại Dương trên 627.000 ca nhiễm.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 56.052.638 người, trong đó có 847.300 ca tử vong.
Giới chức y tế Ấn Độ ngày 2/1 cho biết trong 24 giờ trước đó, nước này ghi nhận 27.533 ca mắc COVID-19 mới và 284 ca tử vong. Số ca nhiễm biến thể Omicron hiện nay là 1.525 ca và biến thể này đã lây lan trên 23 bang. Maharashtra là bang có nhiều ca nhiễm Omicron nhất với 460 ca, tiếp đó là New Delhi với 351 ca.
Theo báo cáo của cơ quan y tế, trong tuần lễ tính đến ngày 25/12/2021, số ca mới trung bình mỗi ngày ở Ấn Độ là 6.641 ca. Điều này đồng nghĩa chỉ trong một tuần, tỉ lệ ca mắc mới đã tăng vọt 175%. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất kể từ ngày 9/4/2000, vượt qua cả mức tăng đỉnh dịch trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 khi mức tăng vào khoảng 75%.
VTV cũng đưa tin, Ban phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga cho biết, trong ngày 1/1, số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày của nước này lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 trường hợp trong vòng hơn 3 tháng qua. Ngày 1/1, Nga ghi nhận 19.751 ca nhiễm mới COVID-19 ở 85 địa phương, 9,3% trong số này không có biểu hiện lâm sàng. Nga cũng ghi nhận thêm 847 ca tử vong trong ngày 1/1. Trong khi đó, ngày 21/1, Nga báo cáo 18.233 ca mắc mới cùng 811 người thiệt mạng vì COVID-19
Các địa phương có số ca mắc mới trong ngày nhiều nhất là thủ đô Moscow, thành phố St. Petersburg, tỉnh Moscow. Đến ngày 2/1, Nga đã ghi nhận hơn 10,5 triệu trường hợp mắc COVID-19 và tổng số người tử vong là hơn 310.500 trường hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran, thời gian cách ly đối với những người nhiễm đã tiêm đủ vaccine sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, và có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày nếu có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 10 ngày nếu nhiễm virus, và có thể hết cách ly sau 7 ngày nếu có kết quả âm tính.
Ngày 2/1, Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi cho biết, các học sinh trung học ở vùng England được khuyến nghị đeo khẩu trang đi học khi các em trở lại trường học vào tuần tới sau kỳ nghỉ Giáng sinh, trong bối cảnh gia tăng tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Australia ngày 2/1 cho biết, số ca nhiễm mới giảm trong ngày 2/1 nhưng số ca nhập viện đã tăng tại bang New South Wales, làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế quốc gia có thể quá tải. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia, đã giảm từ 22.577 ca xuống còn 18.278 ca do số người đi xét nghiệm trong ngày đầu năm mới giảm 1/4. Tuy nhiên, số ca nhập viện đã tăng 18%, lên 1.066 ca cùng ngày.
Trong khi đó, tại bang Victoria, số ca nhiễm theo ngày vẫn trên 7.000 ca và bang Queensland ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục là 3.587 ca.
Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) ngày 31/12/2021 đã công bố báo cáo mới nhất cho biết, biến thể Delta vẫn chiếm đa số ở Italy với 79% số ca mắc mới, trong khi Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít nghiêm trọng hơn chiếm 21%. Báo cáo cũng cho biết, trong toàn bộ 20 vùng của Italy, sự khác biệt dao động từ 3% - 65%.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh số liệu chính thức của Bộ Y tế Italy cho thấy, trong ngày cuối cùng của năm 2021, nước này đã ghi nhận 144.243 ca nhiễm mới COVID-19, tăng so với 126.888 ca của một ngày trước đó. Trong ngày 31/12, Italy đã thực hiện 1.224.025 xét nghiệm, so với 1.150.352 xét nghiệm ngày 30/12, với tỷ lệ dương tính đã tăng từ 11,03% lên 11,78%. Số ca phải cấp cứu tăng thêm 34, lên 1.260 và số người nhập viện tăng 284, lên 11.150.
Theo số liệu tính đến ngày 31/12, khoảng 5,5 triệu người Italy vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Chiếm tỷ lệ cao nhất là những người trong độ tuổi 5-19 (có tới 49% chưa tiêm vaccine). Tuy nhiên, một phần lý do là trẻ trong độ tuổi 5-11 mới được tiêm vaccine đại trà từ ngày 16/12.
Ngày 2/1, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho rằng, đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể dẫn đến miễn dịch cộng đồng ở nước này.
Biến thể Omicron lây lan nhanh đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới chứng kiến các đợt tăng mạnh số ca mắc mới. Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, trong thời gian từ ngày 24/12 - 30/12/2021, trung bình mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng hơn 1 triệu ca mắc mới, mức cao kỷ lục. Tuy vậy, số ca tử vong không tăng nhiều. Điều này mang lại hy vọng, biến thể mới có thể không nguy hiểm bằng các biến thể trước.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay, Israel đã ghi nhận khoảng gần 1,4 triệu ca mắc. Ngày 2/1, nước này có thêm 1.407 ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Israel trong thời gian gần đây tăng mạnh, với số ca bệnh mới mỗi ngày vào khoảng 5.000 người. Giáo sư Eran Segal của Viện Khoa học Weizmann dự báo, số ca lây nhiễm tại Israel trong vòng 2 tuần tới sẽ tăng vọt lên mức hơn 30% (1/3) tổng dân số 9,5 triệu người của nước này.
Bộ Y tế Lào ngày 2/1 cho biết, trong 24 giờ qua qua, nước này ghi nhận 684 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 6 người tử vong. Có 3 ca lây nhiễm mới là người nhập cảnh. Theo Bộ Y tế Lào, ngày 2/1, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới tại nước này đã xuống mức 3 con số, giảm 339 trường hợp so với ngày 1/1. Thủ đô Vientiane cũng ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng giảm 253 trường hợp so với ngày 1/1 nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 121 bệnh nhân trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 112.767 ca, trong đó có 380 người tử vong.
Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 3/1 tới sẽ áp dụng 'giấy thông hành vaccine' tại nhiều điểm công cộng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh gần đây. Đáng chú ý là giấy thông hành này sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đủ 6 tháng sau khi tiêm các mũi cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường.
Theo quy định mới, người đã hoàn thành tiêm chủng vào ngày 6/7/2021 trở về trước sẽ được phép sử dụng giấy thông hành này để đến các điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, nhà hát, trường luyện thi hoặc những cơ sở đa năng trong phòng kín. Những người chưa tiêm phòng sẽ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi vào các địa điểm trên.
>> Xem thêm: Phát hiện 20kg nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu