Tiêm vaccine phòng Covid-19 là phương án tốt nhất để trẻ em có thể sớm được trở lại trường học. Ảnh: Quang Vinh
Cần thiết phải tiêm cho trẻ
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, phụ huynh của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị đã lên mạng tìm hiểu thông tin về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Chị đồng ý đưa con đi tiêm để cho bé có thể trở lại trường học sớm nhất có thể. 'Loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ nhưng tính ra con tôi đã hơn 1,5 năm học trực tuyến ở nhà, tôi muốn con tôi được đến trường để giao tiếp cùng bạn bè - điều này quan trọng hơn' - chị Phương nói.
Trong khi đó chị N.T.H. là phụ huynh của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng khẳng định, tôi đồng ý với việc triển khai tiêm nhanh để cho trẻ em sớm trở lại đi học và được hoạt động bình thường. Trong khi người lớn đã tiêm, và đã quay lại guồng làm việc thì không có nguyên cớ gì để trì hoãn việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Tại Hà Nội và TPHCM, để chuẩn bị cho việc tiêm vaccine, thời gian qua, nhiều trường học đã lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Đa phần cha mẹ học sinh rất muốn tiêm vaccine cho con. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận phụ huynh lo lắng vì mức độ an toàn tiêm cho trẻ như thế nào.
Phân tích về sự cần thiết tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ lứa tuổi này có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Việc này góp phần tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng, góp phần thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết dự kiến triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trong tháng 4, ngay sau khi Úc viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ triển khai theo chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định ở trạm y tế phường - xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1-5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh
Không tiêm trộn vaccine cho trẻ
Phần lớn ý kiến các phụ huynh học sinh đều cho biết, rất muốn cho học sinh trở lại trường học để gặp bạn bè, thầy cô. Đồng tình với việc tiêm vaccine, tuy nhiên các bậc phụ huynh mong muốn là cơ quan quản lý thông tin nhiều hơn về các phản ứng phụ sau tiêm, mong muốn đơn vị tiêm có sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể.
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, nhiều phụ huynh cũng còn nhiều băn khoăn và muốn tìm hiểu thật kỹ vì lo ngại phản ứng nặng xảy ra với con em mình.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nêu rõ, ngay trong đầu tháng 4, sau khi vaccine phòng Covid-19 được cung ứng, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo đó, có 2 loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi gồm Pfizer và Moderna. Đối với nhóm tuổi này, Bộ Y tế yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.
Lưu ý những phản ứng thường gặp
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, tùy từng loại vaccine mà trẻ có thể xuất hiện nhóm phản ứng khác nhau. Loại vaccine thứ nhất là Comirnaty của Pfizer sử dụng cho trẻ từ 5-11 tuổi, trẻ có thể gặp các phản ứng sau tiêm vaccine này như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt.
Còn khi trẻ tiêm vaccine Moderna, phản ứng thường gặp bao gồm triệu chứng sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, ở trên xương đòn; đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng thường gặp như tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp như chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp như giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da…
Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6-11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).
Các chuyên gia cũng cảnh báo, một số biểu hiện bất thường như vật vã, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh có thể là các chỉ điểm rất sớm cho tình trạng viêm cơ tim.
Tuy nhiên đứng ở góc độ khác BS Lê Kiến Ngãi - Bệnh Viện Nhi trung ương cho rằng, cần chống chỉ định với các trẻ có tiền sử phản vệ với vaccine phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine. Theo chuyên gia này, nhóm cần hoãn tiêm là trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn. Ví dụ, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như sốt, có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như hóa trị ung thư… Khi đó, trẻ cần trì hoãn tiêm đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc đợt điều trị của bệnh mạn tính.