Yêu cầu được đưa ra trong Chỉ thị 09 về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 1/9.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng nhận định tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, cùng với đó vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng.
Chỉ thị ban hành nhằm tăng cường triển khai nghiêm, triệt để các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hạn chế tối đa nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua.
Tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, nặng, nguy kịch
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm COVID-19; thực hiện sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám chữa bệnh; tổ chức chăm sóc, điều trị người bệnh toàn diện...
'Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị' - Bộ trưởng yêu cầu.
Tổ chức trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19; tổ chức an toàn tiêm chủng tại bệnh viện. Đảm bảo nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, thuốc phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống diễn biến dịch; có phương án vận chuyển, chuyển tuyến khi cần thiết.
Người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm COVID-19
Các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết để điều trị người bệnh COVID-19, nhất là về nhân lực, giường bệnh, máy thở, ô xy y tế, thuốc điều trị… Tiếp tục thực hiện tốt công tác điều phối, chuyển tuyến đảm bảo kịp thời, hiệu quả, nhất là với các bệnh nhân có diễn biến nặng; Tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế; Chuẩn bị nhân lực sẵn sàng chi viện cho các địa phương...
Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm chuẩn bị trường hợp dịch bệnh lây lan rộng
Với các cơ sở y tế dự phòng, người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng.
Đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Bộ trưởng yêu cầu hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng.
Chủ động, sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine ngay khi được phân bổ, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ và an toàn tiêm chủng cũng là yêu cầu được Tư lệnh ngành Y tế đặt ra.
Các địa phương ngoài TP HCM, Bình Dương chuẩn bị sẵn triển khai trạm y tế lưu động
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2/9 trên quan điểm quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, phương án này cần xác định thực hiện giãn cách nghiêm là biện pháp cơ bản, quan trọng và quyết định đến công tác kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là then chốt để phát hiện người nhiễm bệnh (F0) từ đó có hình thức quản lý, chăm sóc phù hợp, giảm nguồn lây nhiễm; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu và vaccine là chiến lược lâu dài.
TP HCM, tỉnh Bình Dương và các địa phương đang triển khai các Trạm Y tế lưu động, tiếp tục tăng cường thực hiện và vận hành hiệu quả mô hình này; thực hiện tốt chương trình điều trị có kiểm soát người mắc COVID-19 tại nhà, cộng đồng và triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà.
Các địa phương khác chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Trạm Y tế lưu động; đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế, giường bệnh, thuốc điều trị… đối với các cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn. Có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể, nhất là các tình huống khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn trong thời gian nghỉ lễ.
Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thông điệp 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã) đối với các xã, phường tăng cường giãn cách xã hội.