Các trung tâm, quận nội thành có nồng độ bụi mịn cao hơn ngoại thành.
Tình trạng ô nhiễm không khí từ bụi mịn ảnh hưởng tới các bệnh tim, phổi, ung thư phổi… và là nguyên nhân khiến cả nghìn người phải tử vong.
Nồng độ bụi mịn cao tại các khu vực trung tâm lớn
Liên quan tới thực trạng ô nhiễm môi trường bụi mịn, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU – UET), cùng nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Công nghệ, Đại học Y tế công cộng đã có những nghiên cứu, công bố dữ liệu mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5, tại hội thảo trực tuyến 'Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng. Buổi hội thảo do Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức.
Theo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Thanh, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội: Việt Nam có 193 đô thị (từ đặc biệt đến loại IV); xếp loại đô thị càng cao thì số đô thị có nồng độ PM 2.5 vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam (25μg/m3) càng tăng.
Trong đó, khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Cụ thể, tại miền Bắc, phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình theo dân số năm 2020 của các tỉnh/thành phố ở ngưỡng từ 12,7 đến 33,3μg/m3. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình của các trạm cảm biến và trạm Đại sứ quán Mỹ từ 22,0 đến 62,7μg/m3. Có tới 44% các tỉnh thành phố ở miền Bắc có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.
Tại thành phố Hà Nội, phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình theo số dân số năm 2020 của các quận/huyện từ 24,5 đến 33,5μg/m3; nồng độ bụi PM2.5 trung bình của các trạm cảm biến và trạm Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ 22,3 đến 59,8 μg/m3.
Trong đó, các quận nội thành Hà Nội như quận Đống Đa, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng, có nồng độ bụi mịn PM2.5 cao nhất. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội.
Còn tại khu vực miền Trung, phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình theo số dân số năm 2020 của các tỉnh/thành phố từ 11,5 – 22,5μg/m3. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình của các trạm cảm biến từ 12,1 – 35,9μg/m3. Trong đó Thanh Hóa là tỉnh có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn Việt Nam cao nhất.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình theo số dân số năm 2020 của các tỉnh/thành phố từ 11,9 đến 26,9μg/m3. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình của các trạm cảm biến và trạm của Lãnh sự quán Mỹ ở ngưỡng 15,6 đến 39,1μg/m3.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình theo số dân số năm 2020 của các quận/huyện cao nhất, từ 21,3 đến 27,4μg/m3; nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 của các trạm cảm biến từ 15,7 đến 39,1μg/m3.
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ.
Bụi mịn ảnh hưởng tới các bệnh tim, phổi, ung thư phổi…
Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và TSP (tổng bụi lơ lửng) tại TP Hồ Chí Minh, phó giáo sư Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu – Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chỉ rõ: Khí thải xe gắn máy, mặt đường khi xe chạy hay thắng xe, từ hộ gia đình, dệt may, cảng biển, thực phẩm, nhà hàng-quán ăn công trình xây dựng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy… gây ra các nguồn thải.
Trong số các nguồn thải trên, bụi mịn PM2.5 chiếm 32,3% từ khí thải xe gắn máy và từ mặt đường khi xe chạy; 32,3% từ hộ gia đình; 13,3% từ dệt may; 7,3% từ cảng biển; 6,8% từ nhà hàng, quán ăn. Tương tự, TSP chiếm 24,9% từ khí thải xe gắn máy, mặt đường khi xe chạy; 14,% dệt may; 8,8% thực phẩm; 7,5% hộ gia đình; 6,0% sản xuất giấy; 6,0% công trình xây dựng...
Theo phó giáo sư Bằng tác động của ô nhiễm không khí từ bụi mịn ảnh hưởng tới các bệnh tim, phổi, ung thư phổi… Vẫn theo phó giáo sư Bằng, TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất Việt Nam với dân số hơn 8.6 triệu người; có 637.323 chiếc xe ôtô, hơn 7,3 triệu chiếc xe máy, 4.757 cơ sở sản xuất, trong đó có 2.807 cơ sở sinh khí thải. Kết quả quan trắc cho thấy TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm bụi PM2.5 với nồng độ trung bình 24 giờ lên tới 129ug/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam 3,5 lần.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Nguyễn Thị Trang Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Y tế công cộng: Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019, chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi mịn PM2.5 là đáng kể. Số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi mịn PM2.5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân.
Theo báo cáo, các quận Đống Đa, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận, huyện khác.
Từ thực tế nêu trên, giới chuyên gia kiến cần có quy hoạch bổ sung lắp đặt các trạm quan trắc truyền thống tại các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn quy chuẩn; nâng cấp và mở rộng mạng lưới trạm quan trắc không khí đạt tiêu chuẩn sự phân bổ đồng đều trên cả nước…
Còn đại diện Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, bước đầu đã đề xuất 13 giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí đến năm 2025 như: Kiểm tra khí thải đột xuất xe cơ giới đang lưu hành; điều tra, rà soát thống kê số lượng xe cũ, xe máy đã qua sử dụng; đầu tư 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động…