Nguy cơ đã được cảnh báo
Vụ cháy làm nhiều người thương vong ở chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12/9, một lần nữa dấy lên lo ngại về sự an toàn của dạng công trình nhà ở này.
Đáng nói, đây là chung cư cao tầng (10 tầng, 45 phòng), được xây dựng dạng nhà ống, có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là mặt tiền ngôi nhà, lại nằm trong ngõ nhỏ, nên khi xảy ra cháy, người dân bên trong khó thoát hiểm, còn lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng khó tiếp cận.
Theo ghi nhận, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm khu nhà ở được gọi là chung cư mini đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay, nhất là các khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm,…
Theo các chuyên gia xây dựng, các tòa chung cư mini này được xây dựng trên diện tích nhỏ, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách với quy mô từ 5 - 10 tầng và xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư. Đáng nói, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đều đưa ra lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Hầu hết chủ đầu tư đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, hệ thống PCCC chỉ mang tính hình thức nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Đặc biệt, việc cơi nới, tận dụng tối đa diện tích tại các chung cư mini cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn PCCC cho các công trình này, khi mà phần diện tích xây dựng tăng thêm đã làm thay đổi thiết kế của công trình, thu hẹp và thậm chí là chiếm mất lối thoát hiểm.
Thông tin trên báo chí, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, ngôi nhà khi xin phép xây dựng thì chỉ thiết kế cho một gia đình sử dụng nhưng sau đó thực tế lại chuyển sang mục đích cho thuê với số lượng nhiều người ở, cùng chung sinh hoạt, tất yếu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Hệ thống điện trong ngôi nhà khó đáp ứng được nhu cầu của đông người sinh hoạt. Do đó, tần suất quá tải của dây dẫn trong thời gian dài có thể dẫn đến chập, cháy. Chưa kể kèm theo đó xăng xe bốc hơi trong không gian hẹp, tích trữ thành khí và rất dễ bén lửa, chỉ cần gặp tia lửa điện cũng bùng phát thành đám cháy”.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, điều đáng lo ngại phần lớn các vụ cháy đều xảy ra về đêm, rạng sáng. Đây là thời điểm dễ thiệt hại về người nhất bởi khi đó tất cả đều đã ngủ say, ngọn lửa bùng phát lớn mới phát hiện.
Chung cư mini: Những 'lỗ hổng' cần sớm được thắt chặt (ảnh minh họa: Internet).
Quản lý nghiêm chung cư mini
Theo định nghĩa chi tiết được nêu tại Điều 22 Nghị định 71, Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, chung cư mini là loại hình nhà ở do cá nhân/hộ gia đình xây dựng có từ 2 tầng trở lên, trong đó mỗi tầng sẽ có từ 2 phòng được thiết kế và xây dựng theo quy mô khép kín, diện tích sàn tối thiểu phải đạt 30m2.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng nêu rõ: Trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99 từ năm 2015 đã quy định dạng căn hộ có diện tích tối thiểu 30m2, khép kín, đáp ứng được các yêu cầu về nhà chung cư sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu cho từng căn hộ.
Cụ thể, theo Luật Nhà ở năm 2014, trường hợp người dân được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của luật này, thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Đây chính là một trong “điều kiện” khiến chung cư mini nở rộ.
Trước đó, để thắt chặt quản lý loại hình chung cư mini, đảm bảo điều kiện an toàn cháy nổ, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có văn bản số 3003/SXD-QLN về việc thống kê số lượng chung cư mini trên địa bàn thành phố; đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản lý trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để đơn vị tổng hợp báo cáo thành phố.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tới tất cả các tỉnh, thành phố, yêu cầu UBND các tỉnh ,thành phố siết chặt quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ trá hình thành chung cư mini, thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín, xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tự ý nâng tầng, nâng chiều cao nhà... và tự do mua bán chuyển nhượng.
Việc siết chặt quản lý của cơ quan Nhà nước là để xây dựng đúng quy hoạch, xây dựng đúng như giấy phép. Tuy nhiên, trên thực tế, do ham lợi nhuận nên các chủ đầu tư phần lớn đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện PCCC nên số lượng chung cư mini được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ mới trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để xảy ra tình trạng này là bởi quy định pháp luật hiện hành về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân vẫn còn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể về trường hợp của các chung cư mini tự phát như hiện nay. Nguyên nhân khác là những “lỗ hổng” trong công tác thực thi pháp luật của quản lý Nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở, về việc cấp phép xây dựng, cho thuê, bán, giám sát việc đảm bảo PCCC,…
Tuy nhiên, việc rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật để quản lý chặt chẽ loại chung cư này không phải trong một sớm một chiều có thể giải quyết được. Phương án trước mắt vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức PCCC. Về phía người dân, cũng nên chủ động trang bị kiến thức và cẩn trọng khi quyết định mua căn hộ tại các chung cư mini tự phát; đồng thời nên tham gia các buổi tập huấn về PCCC tại nơi mình sống để nắm vững những kỹ năng khi có sự cố xảy ra.