Sáng 16/11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề 'Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội'. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu HĐND - UBND Thành phố tới điểm cầu các quận, huyện, thị xã. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự tại điểm cầu HĐND - UBND Thành phố
Dự tại điểm cầu UBND Thành phố có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các Ủy viên Thường trực HĐND, lãnh đạo các sở, ngành...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên cho biết, hội nghị nhằm tiếp tục tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của HĐND Thành phố; là dịp để UBND Thành phố báo cáo, thông tin đến cử tri về những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách, và các quy định của pháp luật về quản lý giao thông đô thị. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để Thường trực HĐND Thành phố, các đại biểu HĐND Thành phố lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân để tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó, đại biểu HĐND Thành phố kiến nghị những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố.
Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết: Mạng lưới giao thông đường bộ Hà Nội hiện đang khai thác có tổng chiều dài là 23.420,2 km bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai; 11 tuyến đường quốc lộ; 128 tuyến đường tỉnh; 1.220 tuyến đường đô thị...
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo báo cáo tại Hội nghị
Dân số của thành phố Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại Thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10/2023 là trên 7.880.136 phương tiện các loại, trong đó xe ô tô khoảng 1.107.982 xe, xe môtô khoảng 6.772.154 xe, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.
Về quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời, trên địa bàn Thành phố quy hoạch 13 bến xe khách liên tỉnh; 12 bến xe tải; và 1.620 bãi đỗ xe công cộng. Hiện có 5/13 bến xe khách liên tỉnh đang khai thác sử dụng; 5/12 bến xe tải đang khai thác hoạt động và đã được đầu tư; có 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng; 66/1.620 đang triển khai đầu tư và chưa có bãi đỗ xe trung chuyển P&R được hình thành theo quy hoạch.
Về công tác tổ chức giao thông, từ đầu năm 2023 đến nay UBND Thành phố đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, các điểm đen về tai nạn giao thông. Kết quả đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 44 tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn Thành phố để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Xử lý được 11/37 điểm ùn tắc giao thông, còn lại 26 điểm. Đồng thời đã xác định 4 nhóm nguyên nhân gây ra 26 điểm ùn tắc giao thông hiện đang xử lý. Các điểm đen tai nạn giao thông đã được xử lý, năm 2022 xử lý dứt điểm 21 điểm, trong năm 2023 xử lý được 6/7 điểm...
Cùng với đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông thường xuyên phối hợp tổ chức ứng trực, phân luồng, đảm bảo giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Huy động các lực lượng trên địa bàn phương tham gia điều tiết, phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông tại các điểm ùn tắc giao thông…
Các đại biểu dự tại điểm cầu HĐND - UBND Thành phố
Về tình hình cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức trông giữ phương tiện, tính đến 20/10/2023, Sở Giao thông Vận tải đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2. UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe khoảng 422 điểm, với diện tích 93.300m2.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý giao thông trên địa bàn Thành phố còn một số tồn tại như: Diện tích đất của Thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).
Để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài. Trong đó, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; Tăng cường phát triển, ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng để góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh…
Trước mắt, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; xén mở rộng tối đa mặt đường để tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông; xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.