Thông tin từ Batdongsan.com.vn, sau cuộc đấu giá xuyên đêm, 19 thửa đất xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã được bán thành công, lô cao nhất trúng giá 133,3 triệu đồng/m2, gấp khoảng 30 lần giá khởi điểm. Bên cạnh lô đất trên, 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Hai lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2, vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Theo công cụ lịch sử giá của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý II/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 - 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến.
Công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn còn cho biết, giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22 - 62 triệu đồng/m2 trong quý II/2024. Qua đây, người mua, bán, nhà đầu tư có thể so sánh, đối chiếu để có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường.
Lịch sử đấu giá đất hơn 1 năm qua
Trước đó, Batdongsan.com.vn đã đưa ra dữ liệu: Nhu cầu tìm kiếm đất nền toàn quốc trong quý II tăng 33% so với quý I/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Hà Nội chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 48 - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng từ 4 - 24% so với nửa cuối năm 2023.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn - cho biết, kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 - 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
Trước đó, phiên đấu giá 68 lô đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai vào ngày 10/8 cũng gây xôn xao khi giá trúng lên đến trăm triệu đồng 1m2, cao gấp 5-6 lần giá khởi điểm.
Diễn biến này khác hẳn với cảnh ế ẩm của nhiều phiên đấu giá đất năm ngoài. Năm 2023 là thời điểm thị trường bất động sản tạo đáy, nhu cầu đầu tư xuống thấp nên nhiều lô đất vùng ven phải đấu giá lại vì không có người mua hồ sơ hoặc tỷ lệ thành công rất thấp.
Lý giải về sức nóng của những phiên đấu giá đất tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội vừa qua, nhiều ý kiến nhận định, trong bối cảnh giá nhà tăng cao, phân khúc đất nền phân lô được nhiều người săn đón bởi vừa với túi tiền của nhiều người dân. Cộng với việc khan hiếm nguồn cung khiến cho lượng quan tâm của người dân với những phiên đấu giá đất ven đô tăng mạnh là điều dễ hiểu.
Phân tích của một số công ty bất động sản, ba luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 đã siết chặt hoạt động phân lô bán nền, nhu cầu với đất nền vùng ven dưới 2 tỷ đồng một lô đã rục rịch tăng. Bối cảnh trên đã tác động đến tâm lý của cả người dân và nhà đầu tư, mới có cảnh hơn nghìn người đổ xô đi đấu giá đất. Thông tin một số huyện chuẩn bị lên quận vào năm 2025 cũng thúc đẩy xu hướng "đi săn đất" của giới đầu tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo bài học từ quá khứ, nhiều phiên đấu giá trả giá cao kỷ lục nhưng người trúng nhanh chóng bỏ cọc. Bởi người tham gia chủ yếu là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, người địa phương chiếm thiểu số. Hệ lụy tác động đến mọi phân khúc bất động sản, gia tăng hiện tượng đầu cơ đất đai, gây lũng đoạn thị trường, rủi ro thuộc về người mua cuối sau quá trình chuyền tay.
Thực tế trong phiên đấu giá đất tại thôn Lòng Khúc xuyên đêm qua, bên cạnh những người tham gia đấu giá ở trong Nhà thi đấu huyện Hoài Đức, lực lượng môi giới bất động sản cũng tập trung khá đông để theo dõi tình hình phiên đấu giá đất từ sáng 19/8. Nhiều người lo ngại đây cũng là một trong những cách làm giá, bán hàng của không ít môi giới, nhà đầu tư đã ôm sẵn đất nền ở vùng ven ngoại thành Hà Nội.
Đánh giá của một số môi giới bất động sản ở khu vực Hoài Đức, mức giá từ 91,3 - 133,3 triệu đồng/m2 là quá cao so với mặt bằng thị trường đất nền ở địa phương hiện nay. Vì vậy, người mua và nhà đầu tư nên nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và tìm hiểu biến động giá thông qua những nguồn thông tin khách quan khi quyết định xuống tiền với bất cứ sản phẩm nào.