Đỗ Văn Bình tại công an.
Không còn gì để mất
Mới đây, trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) và tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra hàng loạt vụ án mạng nghiêm trọng khiến 3 người tử vong và 1 người bị thương gây xôn xao dư luận. Kẻ gây án được xác định là Đỗ Văn Bình (SN 1981, trú tại Vạn Yên, Mê Linh, Hà Nội - làm nghề thu mua, giết mổ lợn).
Tại cơ quan công an, Bình khai nhận việc ra tay sát hại 3 người tử vong và 1 người bị thương nặng chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống.
Trước tội ác mà Bình gây ra đã khiến dư luận hết sức bức xúc, đặc biệt là gia đình, người thân của các nạn nhân.
Để lý giải một phần nguyên nhân gây án hàng loạt của Đỗ Văn Bình, PV đã có cuộc trao đổi với Trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an).
Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết: Chính những đối tượng đã có tiền án, tiền sự biết việc mình làm sai pháp luật sẽ phải chịu hậu quả nên sẽ có sự cân nhắc nhất định khi thực hiện những việc làm không đúng.
Theo Trung tá Hiếu: Có thể thấy việc gây án giết người do các nguyên nhân xã hội đang gia tăng. Tình trạng bạo lực trong đời sống đang gia tăng, nó là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đối với tội phạm học thì xem xét mọi nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm trên 2 khía cạnh.
Thứ 1: Tác động tiêu cực từ môi trường sống.
Thứ 2: Sự tác động của môi trường sống gặp phải các phẩm chất tâm lý tiêu cực bên trong cá nhân con người, tại các thời điểm nào đó gặp những điều kiện không có lợi thì phát sinh tâm lý phạm tội...
Một nạn nhân tử vong do bị Bình sát hại.
Trung tá Hiếu cho biết: Trong những năm qua, hành vi bạo lực trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là những vụ bạo lực dẫn đến án mạng đang có sự gia tăng đáng báo động.
Có những vụ giết nhiều người, thậm chí thảm sát cả gia đình dưới sự tác động của ma tuý, cồn, những mâu thuẫn trong đời sống.
Trong đời sống hiện nay đang tồn tại rất nhiều những yếu tố tiêu cực từ môi trường sống, tác động nên việc hình thành tư cách con người và tạo ra một số người khinh nhờn pháp luật, ích kỉ, thực dụng, chỉ biết mình.
Điều nguy hiểm nhất trong xã hội hiện nay chính là sự vô cảm. Sự vô cảm trở thành chứng bệnh 'ung thư tâm hồn', nhiều người không biết căm thù, thể hiện thái độ ghét bỏ cái xấu và cũng không cảm thấy hứng thú những điều tốt đẹp nếu như không liên quan đến mình.
Một bộ phận xã hội sống thờ ơ, bàng quan, vô cảm, chỉ biết mình. Đây đang là mặt trái của việc phát triển kinh tế thị trường, tạo ra rất nhiều những hệ lụy về văn hoá, sự băng hoại đạo đức, sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Nhiều giá trị truyền thống của xã hội mất đi, xen vào đó là lối sống thực dụng, vô cảm.
Chính từ lối sống thực dụng, vô cảm như vậy nên khi gặp phải kích thích trong đời sống rất dễ bùng phát thành những hành vi mang tính tự xử, không tuân theo chuẩn mực...
'Trong vụ án này, khi Bình đã giết người thứ 1 và thứ 2, hắn ta đủ nhận thức để biết rằng hành vi giết nhiều người như vậy phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật nên rơi vào trạng thái là không còn gì để mất và tiếp tục thực hiện tội ác vì biết rằng đằng nào mình cũng sẽ chết.
Lúc đó, ác tính khi tay đã dính máu thì không còn điểm dừng và chỉ nghĩ đến những sự bức xúc tâm lý đối với các cá nhân nào đó trong các mối quan hệ nên đi giải quyết hết...' Trung tá Hiếu lí giải việc Bình ra tay sát hại hàng loạt người.
Sở hữu kĩ năng sống để nhận biết nguy hiểm
Trung tá Hiếu cho biết: Đặc điểm của đối tượng Đỗ Văn Bình là làm nghề giết mổ lợn nên quen với máu và chết chóc. Chính vì vậy về mặt cảm xúc cũng có sự chai sạn khi ra tay sát hại người khác.
Khi gặp những bức xúc tâm lý, nhiều người rất dễ sử dụng thói quen công việc của mình như đâm, chọc để giải quyết.
Đây có thể là đặc điểm mang tính thói quen của một nhóm nghề nghiệp quen với nghề giết mổ nên khi tiếp xúc với máu cũng sẽ quen.
Trung tá Hiếu đưa ra lời cảnh báo đối với mọi người tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự đó là trong các giao tiếp đời sống mỗi người phải có tinh thần tuân thủ pháp luật, biết việc được làm và không được làm.
Quan trọng là phải sở hữu các kĩ năng sống để nhận biết tình huống nào nguy hiểm.
'Nếu như đúng lời khai của đối tượng thì bản thân người bị hại đầu tiên cũng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và làm kích thích ác tính trong đối tượng.
Nếu như người dân trong cách hành xử luôn đứng mực thì sẽ không xảy ra những chuyện lớn như vậy. Vụ án này cũng bắt nguồn từ cách không hành xử đúng...'Trung tá Hiếu nói.