'Nghe tin sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yếu, tôi rất muốn đến thăm nhưng lại sợ làm phiền đội ngũ y bác sĩ đang cấp cứu cho ông. Thế là tôi không được nhìn mặt Trọng lần cuối…'- cô Phúc nghẹn ngào nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ Đặng Thị Phúc
Người học trò đặc biệt
Cô Đặng Thị Phúc năm nay đã 92 tuổi, sức khỏe đã giảm nhiều, nhưng cô vẫn nhớ như in những ký ức về người học trò nhỏ Nguyễn Phú Trọng năm xưa.
Đó là năm 1956, sau khi học xong sư phạm liên khu 3, cô về dạy lớp 4 tại xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Nhà cậu học trò Nguyễn Phú Trọng ở xã Đông Hội, ngay cạnh xã Mai Lâm. Vì cả xã Đông Hội chỉ có 15 học sinh lớp 4 nên được bố trí học ghép với xã Mai Lâm. Từ xã Đông Hội đến Mai Lâm phải băng qua cánh đồng làng, trên con đường đất sống trâu, ở giữa gồ lên, hai bên thấp xuống, ngày mưa sình lầy trơn trượt, ngày nắng hằn in những vết chân trâu.
Tổng cộng 48 học trò học trong lớp nhỏ đặt ở đình thôn Mai Hiên. Lớp không có cửa, bàn ghế cọc cạch, chân thấp chân cao. Học sinh đi học suốt cả năm chỉ có một quyển vở học, một quyển vở làm văn. Học trò nhiều tuổi nhất tên Duy, là lớp trưởng, bằng tuổi cô giáo Đặng Thị Phúc, còn nhỏ tuổi nhất chính là Nguyễn Phú Trọng.
Cô Đặng Thị Phúc xúc động xem lại bức thư tay chúc tết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
'Nhà em Trọng nghèo lắm, suốt cả năm học chỉ đi chân đất, đông cũng như hè mặc độc một bộ quần áo nâu. Em ít tuổi nhất lớp nhưng học giỏi nhất, ngoan nhất, rất chịu khó giơ tay phát biểu'- cô giáo Đặng Thị Phúc xúc động nhớ lại.
Vì học giỏi nhất nên cuối năm học, trò Trọng được chọn là học sinh đại diện đứng lên phát biểu ở hội trường, được dựng ngay ở phần sân khấu đình Mai Hiên. Nhìn cậu học trò nhỏ đứng lên báo cáo, vẫn áo nâu chân đất như mọi ngày, cô Phúc thương đến ứa nước mắt.
Lên lớp 5, trò Nguyễn Phú Trọng rời đình thôn Mai Hiên, đi học ở Trường Nguyễn Gia Thiều, vẫn thỉnh thoảng cùng lớp trưởng Duy đến thăm cô giáo cũ. Nhưng rồi cô chuyển về Hà Nội, hai cô trò bặt tin nhau.
Hơn 40 năm sau, năm 2001, đi dự buổi họp mặt với các học trò lớp 4 năm xưa, cô Phúc mới lần đầu tiên biết được thông tin về cậu học trò Nguyễn Phú Trọng khi một học sinh trong lớp bảo: 'Cô ơi, trò Trọng giờ làm to lắm'. Hình ảnh cậu học trò nhỏ năm xưa lại ùa về với biết bao yêu thương, xúc động, thấy mừng cho học sinh của mình, cô đã làm bài thơ 'Người trò nhỏ năm xưa', đề tặng N.P.T: Thơ ngây mái tóc mười hai/Áo nâu, chân đất, ngô khoai đỡ lòng/Em trò nhỏ nhất kém chi/Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài'.
Năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này trong ngày hội thơ nhà giáo. Cô Phúc cũng không ngờ chính bài thơ với lời đề tặng N.P.T đã trở thành cầu nối giúp 'người trò nhỏ năm xưa' tìm lại được cô giáo cũ.
'Cô ơi, em tìm cô mãi!'
Một ngày, cô Phúc bất ngờ nhận được điện thoại của 'người trò nhỏ năm xưa'. 'Trọng bảo: 'Cô ơi, em tìm cô mãi. Em sẽ đến thăm cô'. Nhưng tôi gạt đi vì nghĩ trò Trọng đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, bận rất nhiều việc. Không ngờ chỉ ít ngày sau thì em Trọng đến thật, vừa đến đã trách: Mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến'- cô Phúc vừa kể, vừa lau những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi trên má.
Từ khi tìm lại được cô giáo cũ, dù trăm công ngàn việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn không quên gửi lời thăm hỏi cô vào những dịp lễ, tết. Đôi bàn tay run run, cô giáo Đặng Thị Phúc lần mở lá thư tay mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết gửi chúc Tết cô và gia đình năm 2019.
Bức thư rất ngắn gọn nhưng đầy tình cảm: 'Nhân dịp chuẩn bị Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm cô và gia đình. Kính chúc thầy cô sang năm mới sức khoẻ, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới!'. Phần tái bút, Tổng Bí thư viết: 'Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo'. Bức thư được ký tên giản dị: 'Học trò cũ của cô. Trọng', không có một chữ nào nhắc đến vị trí, quyền lực, chức vụ của người đang đứng đầu đất nước.
'Trọng lúc nào cũng giản dị, khiêm tốn. Nhiều người hỏi là giáo viên của Tổng Bí thư, chắc được quà cáp nhiều, nhưng anh Trọng là người liêm khiết, anh cũng chẳng có gì mà cho tôi. Mỗi dịp 20-11 hay lễ Tết, anh gửi tặng bó hoa hay hộp bánh, chỉ vậy thôi nhưng là tình nghĩa thầy trò rất lớn' - cô Phúc xúc động chia sẻ.
Rồi cô khóc rưng rưng: 'Tôi coi Trọng như người em út của mình nên khi nghe tin Trọng mất, tôi đau xót như mất đi một người ruột thịt. Tôi tiếc thương một người lãnh đạo liêm khiết, thương dân…'.