Ngày 6-9, sau khi bài viết 'Nhà hàng mở nhạc làm ồn nhà thờ, bị phạt 140 triệu đồng' đăng tải trên Người Lao Động online, nhiều độc giả bày tỏ ý kiến ủng hộ cách xử lý của TP Đà Nẵng về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn.
Nhà hàng TST Garden tại Đà Nẵng bị phạt đến 140 triệu đồng vì mở nhạc làm ồn khu vực đặc biệt (Nhà thờ Giáo xứ Thanh Đức)
Số đông bạn đọc mong muốn các tỉnh thành khác cũng thực hiện quyết liệt như tại Đà Nẵng. Độc giả KSV nhận định: 'Đà Nẵng xử lí rất tốt, còn nhiều nơi khác sao để người dân chịu cảnh inh tai, chói óc?'. Hay như độc giả Nguyễn Xuân Việt bình luận: 'Các nơi cũng cần làm như Đà Nẵng mới được, chứ hiện nay ô nhiễm tiếng ồn ít khi bị xử lý'.
Đồng ý kiến, độc giả Nguyễn Thị Kim Yên cho rằng: 'Đề nghị các địa phương khác cũng thực hiện như Đà Nẵng. Không chỉ nhà thờ, trường học, bệnh viện bị ô nhiễm tiếng ồn mà ngay trong khu phố dân cư cũng bị tiếng loa thùng mở làm đau đầu hàng xóm. Mong đưa vào xử phạt nghiêm'.
Liên quan vụ việc, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi nhanh với thượng tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng.
Phóng viên: Quan điểm của Công an TP Đà Nẵng về việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại thành phố như thế nào, thưa ông?
-Thượng tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng: Vấn đề này, Công an TP Đà Nẵng rất quan tâm. Công an TP Đà Nẵng thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về các cơ sở cứ liên tục tái phạm sau khi bị phạt. Một số cơ sở ỉ có tiền nên chấp nhận bị phạt và tái phạm.
Tuy nhiên, dù các cơ sở tái phạm nhưng hiện tại biện pháp cũng chỉ là phạt chứ chuyện rút giấy phép thì chưa có quy định. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần như thế này, Công an TP Đà Nẵng sắp đến sẽ có kiến nghị, tham mưu với UBND TP Đà Nẵng rút giấy phép kinh doanh, không cho hoạt động nữa. Không để xảy ra tình trạng liên tục sai phạm.
Cạnh đó, các văn bản quy định về xử lý tiếng ồn vẫn còn rất nhiều chỗ cần phải bổ sung sửa đổi thì mới làm được. Nhưng Đà Nẵng nhất quyết phải xử lý, phải xử nghiêm thì tình hình mới ổn định được.
6 tháng đầu năm 2022, Công an TP Đà Nẵng đề xuất xử phạt 30 trường hợp, tổng số tiền gần 300 triệu đồng
Có ý kiến cho rằng vì nhà hàng TST Garden làm ồn tại khu vực đặc biệt là nhà thờ nên mới bị xử lý. Ý kiến của Công an TP Đà Nẵng về vấn đề này như thế nào?
Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng đã đề xuất thành phố phạt nhiều đơn vị chứ không chỉ riêng cơ sở TST Garden. Ví dụ, vừa xử phạt chỗ phường Nam Dương (cơ sở giải trí Gazzy Area, địa chỉ 191 Nguyễn Hoàng, bị phạt 30 triệu đồng – PV), cơ sở kinh doanh Minh Nhí (26-28 Đống Đa, bị phạt 70 triệu đồng – PV), chủ hộ kinh doanh quán Minh Beo (đường Đống Đa, bị phạt 12,5 triệu đồng – PV).
Không riêng gì khu vực nhà thờ, chùa mà chỉ cần là khu vực dân cư, chiếu theo quy định của pháp luật mà vi phạm tiếng ồn thì Công an TP Đà Nẵng vẫn xử lý đúng quy định, quy trình. Và vi phạm thì đương nhiên phải xử lý, chứ không phải vì gần khu vực này, khu vực kia hay thế nào đó.
Thực tế là vẫn còn nạn loa kẹo kéo gây ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư, Công an TP Đà Nẵng sẽ xử lý như thế nào?
Trường hợp loa kẹo kéo thì rất là khó xử. Vì cái này thường xuyên ở trong khu dân cư, nhất là những khi lễ hội, ngày nghỉ, thường xảy ra việc người dân tụ tập ăn nhậu, dùng loa kẹo kéo hát hò. Người dân vui chơi, hát hò thì không ai cấm được chuyện đó nhưng hát hò phải trong không gian, thời gian cho phép. Không thể hát cả đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Vừa rồi, cũng vì hát loa kẹo kéo rồi hàng xóm mâu thuẫn, hành hung gây chết người tại quận Cẩm Lệ. Vụ việc này Công an TP Đà Nẵng đang thụ lý.
Công an TP Đà Nẵng sẽ bàn với địa phương để có hướng xử lý, thẩm quyền sẽ giao cho địa phương. Trong đó, công an phường xã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vấn đề này.
Lực lượng phản ứng nhanh tại địa phương nhắc nhở một hộ dân sử dụng loa kẹo kéo gây ồn trong khu dân cư
Công an TP Đà Nẵng sẽ xử lý quyết liệt và có hướng tuyên truyền cho người dân. Đối với các đơn vị kinh doanh cho thuê loa kẹo kéo, chúng tôi cũng sẽ có phương án tuyên truyền, quy định về quy trình sử dụng loa như thế nào đó để không thể sử dụng tràn lan.
Cạnh đó, Ban ngành đoàn thể cũng cần phải tham gia. Ví dụ như những đơn vị vi phạm thường xuyên thì công an sẽ xử lý. Còn việc khác trong dân như loa kẹo kéo, một số vấn đề tương tự thì ban ngành đoàn thể phải chung tay, có hướng xử lý chứ không thể giao hết cho công an.