Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 961.038 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), có số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 956.126 ca, trong đó có 836.284 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến nay là 22.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tính đến ngày 5/11, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 88.404.883 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.260.916 liều, tiêm mũi 2 là 28.143.967 liều.
Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đã cho thành lập 8 điểm kiểm soát tại địa bàn và nhà riêng của các ca nghi F0. (Nguồn: TTXVN)
Hà Nội có 8 ổ dịch, thêm 54 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng
Với 93 ca mắc mới ghi nhận từ 18h ngày 5/11 đến 18h ngày 6/11, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.917 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), trong đó 1.916 ca được ghi nhận ngoài cộng đồng và 3.001 ca được phát hiện trong khu cách ly.
Đáng chú ý, trong 93 ca mắc mới thì liên quan đến ổ dịch chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) có 28 ca; ổ dịch Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có 14 ca; ổ dịch đường Bưởi (phường Cống Vị, quận Ba Đình) có 8 ca; ổ dịch thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) có 7 ca; ổ dịch Phú La (quận Hà Đông) có 4 ca; ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 3 ca; ổ dịch tại phố Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình) có 2 ca; ổ dịch Thủ Lệ (phường Ngọc khánh, quận Ba Đình) có 1 ca; chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt có 12 ca; chùm sàng lọc ho, sốt có 8 ca; chùm liên quan các tỉnh có 5 ca; chùm thứ phát liên quan đến các tỉnh có 1 ca.
Liên quan đến khách sạn, nơi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đóng quân, có 8 ca mắc. Hôm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thông báo khẩn tìm người tới tòa nhà Charmvit và khách sạn Grand Plaza ở số 117, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) từ ngày 28/10 đến ngày 6/11.
UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lưu trú, làm việc tại khách sạn Grand Plaza và người làm việc ở tòa nhà văn phòng Charmvit. Có khoảng 3.000 người ở khu vực này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, bao gồm cả các thành viên đội tuyển bóng đá nam Việt Nam.
Chiều 6/11, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã tạm thời cách ly y tế đối với tòa nhà CT4B - X2 thuộc khu đô thị Linh Đàm; đồng thời thông báo cho người dân biết để phục vụ công tác truy vết và chủ động phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Cao Bằng phát thông báo khẩn liên quan đến ca mắc Covid-19 thứ hai. (Nguồn: Báo Cao Bằng)
Cao Bằng có ca nhiễm thứ hai từ đầu mùa dịch Covid-19
Tối 6/11, Sở y tế tỉnh Cao Bằng xác nhận, tỉnh có thêm 1 ca nhiễm SARS-CoV-2, vừa trở về từ tỉnh Bình Dương, trên đường về có tiếp xúc với nhiều người trên máy bay và xe khách.
Cụ thể, chị N.T.D. (sinh 1995, trú tại xóm Nà Quang, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh) làm việc tại một công ty ở phường Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh và tạm trú tại số nhà 192, phố Trần Hưng Đạo, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ngày 3/11 chị D. đi máy bay từ sân bay Tân Sân Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc18h, sau đó đón xe khách của nhà xe Vĩnh Dung (thành phố Cao Bằng) tại ngã ba Kim Anh (Hà Nội) và di chuyển đến Cao Bằng lúc 3h30 ngày 4/11. Chị D. đã khai báo y tế tại Trạm Kiểm soát Quốc lộ 3.
Về đến bến xe khách thành phố Cao Bằng, chị D. tiếp tục bắt xe khách của nhà xe Thành Luân để về xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh. Vào khoảng 14h30, chị D. đến Trạm y tế xã Đoài Dương khai báo và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị D. dương tính với SARS-CoV-2 - đây là trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai của tỉnh Cao Bằng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam.
Ngay trong đêm 6/11, Sở Y tế Cao Bằng chỉ đạo các cơ sở trực thuộc khẩn trương truy vết, tìm kiếm những hành khách đi cùng chuyến xe với chị D. tại Cao Bằng; khoanh vùng, cách ly các trường hợp tiếp xúc; chỉ đạo rung tâm Y tế huyện Quang Hoà khẩn trương triển khai, đảm bảo các điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc, nhân lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trước đó, ngày 5/11, Cao Bằng ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là nam bệnh nhân L.V.T., SN 2001, trú tại xóm Nà Sài, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Với trường hợp này, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở cả 63 tỉnh, thành phố ở nước ta.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Tĩnh lập chốt chống dịch tại khu vực có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. (Nguồn: TTXVN)
Thành phố Hà Tĩnh tạm dừng một số dịch vụ từ 0h ngày 6/11
Tính từ 18h ngày 5/11 đến 18h ngày 6/11, Hà Tĩnh có thêm 18 ca mắc mới, trong đó có 13 ca mắc trong cộng đồng tại thành phố Hà Tĩnh (4 ca), Can Lộc (1 ca), huyện Kỳ Anh (3 ca) và thị xã Kỳ Anh (5 ca).
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, CDC Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, đồng thời triển khai khẩn cấp biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện thủ tục cần thiết để đưa bệnh nhân đi cách ly, điều trị.
Trước tình hình một số địa bàn xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cấp bách để khoanh vùng, kiểm soát dịch. Thành phố Hà Tĩnh tạm dừng một số dịch vụ từ 0h ngày 6/11 đến khi có thông báo mới như: Tạm dừng hoạt động, dịch vụ: karaoke, massage, phòng tập gym, điểm truy cập internet công cộng, rạp chiếu phim; Trung tâm hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát chỉ cho phép quy mô tối đa 30 người, khuyến khích bán hàng mang về; Hoạt động giáo dục: dừng tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp và chuyển sang hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, bảo tàng, triển lãm, thư viện và các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, đám tang, đám cưới và các sự kiện tập trung đông người khác thì số lượng người tham gia không quá 30 người.
Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt cơ sở tại Khu công nghiệp Đô thị Sonadezi Châu Đức. (Nguồn: TTXVN)
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khẩn trương ngăn chặn ổ dịch tại Công ty hơn 8.000 lao động
Từ ngày 5-6/11, tại Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt có 2 cơ sở đóng tại huyện Châu Đức và thành phố Vũng Tàu, đều có kết quả xét nghiệm PCR khẳng định 34 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đây là Công ty có tổng số lao động tại 2 cơ sở lên đến hơn 8.000 lao động.
Cụ thể, ngày 5/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) phát hiện ổ dịch phức tạp, chưa xác định rõ nguồn lây tại Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt (có cơ sở đóng tại Khu công nghiệp Đô thị Sonadezi Châu Đức). Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy có 8 ca dương tính với SARS-CoV-2 là công nhân của Công ty này.
Qua truy vết, xác định có 540 ca F1 trên tổng số 3.600 công nhân của Công ty đã được đưa đi cách ly tập trung; hơn 3.000 công nhân còn lại là F2, thực hiện cách ly tại nhà.
Ngày 6/11, tại công ty Uy Việt, cơ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu, với gần 4.500 công nhân, qua quá trình xét nghiệm nhanh cho 1.371 người lao động thuộc phân xưởng C và B, đã phát hiện 24 trường hợp dương tính; hiện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR khẳng định.
Ngay sau khi nhận được thông tin kể trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Vũng Tàu đã yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR toàn bộ công nhân tại Công ty. Kết quả đến 16h cùng ngày phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nghiễm.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định, ổ dịch xuất hiện tại 2 cơ sở của Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt là ổ dịch phức tạp. Các cơ quan chức năng địa phương cũng như phía Công ty cần tiến hành truy vết, cách ly nghiêm ngặt, không để bùng phát thành ổ dịch lớn.
Hộ kinh doanh ở Tuyên Quang phải thiết lập ứng dụng và yêu cầu tất cả khách hàng đến giao dịch thực hiện quét mã QR Code. (Nguồn: Báo Tuyên Quang)
Tuyên Quang nỗ lực đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch
Nhằm giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và thực hiện có hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Cụ thể, bắt đầu từ 18h ngày 6/11, để đi qua các chốt kiểm dịch (tại các cửa ngõ ra vào tỉnh) người đến lưu trú, trở về tỉnh Tuyên Quang phải khai báo y tế và có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo đúng quy định.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang áp dụng hiệu quả các biện pháp chống dịch đối với người đến, trở về từ các vùng có nguy cơ: Người từ vùng cấp độ 1, cấp độ 2 của tỉnh Hà Giang về, đến tỉnh và những người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ cao, phải cách ly tập trung ít nhất 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tụ tập đông người không cần thiết; giảm quy mô đám cưới, đám tang, liên hoan... để bảo đảm an toàn dịch bệnh; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là quy định 5K của Bộ Y tế.
Trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tại các tỉnh tiếp giáp với Tuyên Quang như Hà Giang, Phú Thọ số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục tăng và khó kiểm soát.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, trong khi đó tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine còn thấp (khoảng 8,8 %), vì vậy nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch là rất cao.
Sóc Trăng có hơn 87% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1, trong đó hơn 17% đã được tiêm đủ 2 mũi. (Nguồn: TTXVN)
Sóc Trăng: Đẩy mạnh xét nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng nhiều, để tránh lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có Công văn chỉ đạo tổ chức xét nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, mặt trận, hội, đoàn thể; cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc thuộc thẩm quyền quản lý để chủ động tầm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Thời gian thực hiện trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 8/11. Số lần xét nghiệm là 3 ngày/lần.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc xét nghiệm nêu trên nhằm đảm bảo sự an toàn, tránh lây nhiễm dịch Covid-19 từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng, trong ngày 6/11, toàn tỉnh có thêm 289 ca mắc mới, trong đó có 96 trường hợp phát hiện trong cộng đồng. Đến nay tỉnh có 6.981 ca mắc Covid-19, trong đó 4.329 bệnh nhân đã xuất viện; có 54 người tử vong có liên quan đến Covid-19.
Sóc Trăng có hơn 87% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 17% trong số này đã được tiêm đủ 2 mũi.
Kiên Giang dự kiến thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ ngày 20/11. (Ảnh: Nguyễn Hữu Định)
Kiên Giang chuẩn bị thí điểm đón khách du lịch quốc tế
Chiều 6/11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Trước câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn tạm thời với 4 nội dung cụ thể.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, về đón khách quốc tế, Bộ đã chia thành 3 giai đoạn. Thứ nhất là hướng đến các chương trình du lịch trọn gói thông qua các chuyến bay thương mại quốc tế tại các địa phương đã được Chính phủ cho phép thí điểm mở cửa du lịch.
Ông Hoàng Đạo Cương cho hay: 'Sau khi thành công ở các địa phương mở cửa du lịch thí điểm, Bộ sẽ tham mưu để mở rộng phạm vi đón khách đối với các địa phương đáp ứng điều kiện'.
Đối với khách du lịch quốc tế, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nêu rõ, thông qua ý kiến từ Bộ Y tế, mỗi khách du lịch phải đảm bảo tiêm đủ mũi vaccine, có kết quả âm tính xét nghiệm PCR không quá 72 giờ, có bảo hiểm y tế trong đó có nội dung chi trả điều trị ovid-19 và có chương trình trọn gói du lịch lữ hành.
Về chương trình đón khách du lịch quốc tế, theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Bộ đang dự kiến từ ngày 20/11 đến 20/12 thực hiện tại tỉnh Kiên Giang, đồng thời sẽ triển khai thêm tại các địa phương là Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8044/VPCP-KGVX trả lời tờ trình của của Bộ VHTT&DL về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tờ trình số 272/TTr-BVHTTDL ngày 25/10/2021 của Bộ VHTT&DL.
Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
- Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).
- Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu Giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.