Hiện Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.227 tàu thuyền về neo đậu trong bờ an toàn.
Tại Đà Nẵng:
Chiều 23/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có cũng công điện về ứng phó bão số 6. Theo đó, yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các hộ khó khăn, hộ dân đang phải điều trị và cách ly tập trung.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm khác đã được quy hoạch.
Các tàu kinh doanh xăng dầu phải được di dời ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, hoàn thành trước 17 giờ ngày 23/9.
UBND TP giao Sở Y tế chủ trì trong việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn TP. Đồng thời Sở này cần hướng dẫn các địa phương việc đảm bảo phòng chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ, dương tính với SARS-CoV-2.
Giao Sở Công Thương đảm bảo lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm cho người dân trong và sau bão. Sở Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ.
Theo thông tin từ Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 10h cùng ngày, Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.227 tàu thuyền về neo đậu trong bờ an toàn, trong số này có 203 tàu thuyền của các tỉnh bạn. Hiện Đà Nẵng vẫn còn 15 phương tiện với 112 lao động hoạt động trên biển. Trong đó có 6 phương tiện với 49 lao động nằm trong vùng nguy hiểm, đã yêu cầu di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, ngư dân địa bàn ven biển, thực hiện chỉ đạo của Ban Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã có thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10h ngày 23/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường. Đồng thời yêu cầu tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm không cho người ở lại trên các khu nuôi trồng thủy sản. Người dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão không được đi lại trong những vùng trũng thấp, các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm. Phối hợp CSGT đường thủy, Sở NN&PTNT thành phố tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, bảo đảm phòng, chống COVID-19.
Ngư dân tại Xã Tam Quang huyện Núi Thành khẩn trương di dời tàu thuyền tránh bão.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, trong sáng cùng ngày, lực lượng Công an, Quân đội đã triển khai giúp dân các phường ven biển Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ, chèn chống nhà cửa; đưa 20 tàu chở dầu di dời ra khỏi âu thuyền Thọ Quang để chống va đập gây cháy nổ; thông báo các tàu cá và tàu du lịch trên sông Hàn di chuyển về phía thượng nguồn.
Hướng dẫn, hỗ trợ người dân và các cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc. Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất… Qua đó, chủ động di dời, sơ tán người dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm…
Tại Quảng Nam:
Từ 10h sáng nay (23/9), Quảng Nam cấm các phương tiện hoạt động trên biển, không cho tàu, thuyền ra khơi.
Lực lượng chức năng đã tiến hành bắn pháo hiệu thông báo bão tại 3 điểm gồm: Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà. Các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão.
Theo báo cáo, đến 9h sáng 23/9, Quảng Nam có 61 tàu cá (1.706 lao động) đang hoạt động trên biển, trong đó 12 tàu hoạt động gần bờ, 24 tàu ở vùng biển Hoàng Sa và 25 tàu ở vùng biển Trường Sa.
Trưa 23/9, tại biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, sóng biển cao xô mạnh vào bờ, tại đây mưa lớn kèm theo gió mạnh.
Nhiều ngư dân đã hối hả ra biển đưa ghe, thuyền, thúng chai vào sát bờ. Có hơn 20 chiếc ghe, thuyền loại nhỏ đánh cá, cùng với nhiều thúng chai ở bờ biển thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh được người dân kéo lên vào sát bờ.
Ngư dân khẩn trương di dời tàu thuyền tránh bão.
Theo thống kê của chính quyền xã Tam Thanh, có khoảng 150 ghe thuyền công suất nhỏ dưới 90CV trong sáng nay đã được ngư dân địa phương đưa vào bờ, neo đậu cẩn thận.
Cùng ngày, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam có công điện, theo đó yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10h ngày 23/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão.