Đoàn TP Hà Nội do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn, cùng dự có các đồng chí Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các Ban, Sở, ngành, quận, huyện thành phố.
Về phía TP Hồ Chí Minh có đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc làm Trưởng đoàn, cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Thị Diệu Thúy và lãnh đạo các Sở, ngành thành phố.
Đoàn đại biểu dâng hoa lên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đoàn đại biểu thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại những đóa hoa tươi thắm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao và đức hy sinh quên mình vì dân, vì nước của Bác
Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh", diễn ra từ ngày 23 - 25/8 tại nhiều địa điểm tại thành phố mang tên Bác.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt tình cảm thương yêu vô bờ bến.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TP, trên trục không gian quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ được khánh thành nhân dịp chào mừng kỷ niệm 125 năm sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2015) thể hiện tình cảm yêu quý, biết ơn và sự tôn kính của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với Bác.
Tượng đài Bác thể hiện sự tươi vui, trìu mến, dung dị, gần gũi thân thương và tình cảm của Người đối với miền Nam ruột thịt; khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách của Người; toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả, thể hiện được tầm vóc của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
\
Tại đây, đoàn đại biểu đã dành một phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta - Nhà văn hóa kiệt xuất... Trước anh linh của Người, đoàn đại biểu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hứa phấn đấu học tập theo gương Bác để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng hợp kim đồng có chiều cao tối đa tính từ cao độ vỉa hè hiện hữu đến phần cao nhất của tượng đài là 7,2m (tượng cao 4,5m, bệ tượng cao 2,7m), hài hòa giữa tượng đài và công trình trụ sở UBND TP, phù hợp cảnh quan kiến trúc xung quanh công viên. Bệ tượng đài là khối đá tảng đặc, màu đen sẫm, bền vững.
Sau khi dâng hoa tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, các đại biểu đã tiếp tục đến dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, nằm trong hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Tại nơi đây, vào ngày 5/6/1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ lấy tên là Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn, ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước với nhiều châu lục khác nhau để sau 30 năm trở lại đất nước, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc giành độc lập thống nhất Tổ quốc.
Đoàn đại biểu tham quan bảo tàng
Để ghi nhớ sự kiện trên, sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1315/QĐ-UB, ngày 7/9/1979, của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người - nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)".
Đến ngày 30/10/1995, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 7492/QĐ-UB-NCVX chuyển "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" thành "Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh".
Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở các tư liệu, hiện vật của bảo tàng; đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với Nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của Nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Tiếp đó, đoàn đại biểu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Sáng cùng ngày, đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương, dâng hoa tại nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ở Di tích Nhà thương Chợ Quán.
Khu trại giam Nhà thương Chợ Quán nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 26/8/1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn, lâm trọng bệnh được đưa về khu trại giam này. Đến ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú hy sinh ở tuổi 27, sau khi để lại lời nhắn: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Các đại biểu nghe thuyết trình về quá trình đồng chí Trần Phú bị giam giữ tại Khu trại giam Nhà thương Chợ Quán
Tại đây, các đại biểu được nghe giới thiệu về di tích và cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư đầu tiên - đồng chí Trần Phú
Ngoài đồng chí Trần Phú, khu trại giam còn là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như Trần Não, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trỗi…
Hiện tại, di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân, đế quốc cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cách mạng…
Ngày 16/11/1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Suốt những năm qua, di tích đã đón rất nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về tham quan, tìm hiểu… thể hiện lòng tri ân, tôn kính đối với các bậc tiền bối cách mạng.
Ngày 18/4/2023, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới". Dự án hoàn thành vào ngày 1/5/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.
Chỉ với 27 năm tuổi đời, hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm trên cương vị Tổng Bí thư (từ 10-1930 đến 4-1931), nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ Đảng mới ra đời.
Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra từ ngày 23 - 25/8 với nhiều hoạt động, trải dài khắp các địa điểm tại thành phố mang tên Bác.
Lễ khai mạc chương trình sẽ diễn ra vào 20h tối 23/8 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), được tường thuật trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh lân cận.