Theo đó, vào năm 2021, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới vinh dự thuộc về tỷ phú và nhà từ thiện Mackenzie Scott.
Mặc dù, chỉ đứng thứ 3 trong danh sách những phụ nữ giàu nhất thế giới, nhưng với khả năng tiếp cận không giới hạn và quyết tâm quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện đã đạt được sự thay đổi có ý nghĩa khi đưa bà lên vị trí thứ nhất trong danh sách của Forbes.
Xếp ở vị trí thứ 2 là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người sau khi nhậm chức đã tăng lên một vị trí so với năm ngoái. Bà đổi vị trí cho Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, hiện xếp thứ 3.
Sau đây cùng Forbes điểm danh những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2021:
1. Mackenzie Scott, nhà từ thiện.
Mackenzie Scott là một nhà từ thiện, tiểu thuyết gia và là vợ cũ của người sáng lập Amazon tỷ phú Jeff Bezos. Hai người ly hôn vào giữa năm 2019 và bà nhận 25% cổ phần của chồng tại Amazon. Vào tháng 5/2019, bà Scott ký cam kết sẽ quyên góp ít nhất một nửa tài sản cho tổ chức từ thiện trong suốt cuộc đời còn lại.
Vào năm 2020, bà đã tài trợ cho gần 500 tổ chức phi lợi nhuận với tổng trị giá chỉ hơn 5,8 tỉ USD. Vào tháng 6/2021, bà Scott thông báo rằng đã quyên góp 2,74 tỉ USD cho 286 tổ chức.
2. Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ.
Vào ngày 20/1/2021, bà Harris trở thành Phó Tổng thống Mỹ - người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ này.
3. Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Từ năm 2011 đến giữa năm 2019, bà Lagarde điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Vào tháng 11/2019, bà Lagarde trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
4. Mary Barra, Giám đốc điều hành của General Motors (GM)
Là CEO của GM vào năm 2014, bà Barra trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một trong 3 nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Bà đã đầu tư hàng tỉ USD vào xe điện, xe tự lái và dịch vụ chia sẻ chuyến đi Maven.
GM liên tục đạt điểm cao trong các báo cáo bình đẳng giới, trở thành một trong hai tập đoàn toàn cầu duy nhất không có chênh lệch lương theo giới tính vào năm 2018. Vào mùa xuân năm 2020, trong đợt đại dịch Covid-19 đầu tiên, bà Barra quyết định cùng Ventec sản xuất máy thở.
5. Melinda French Gates, đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates.
Melinda Gates tham gia vào việc định hình chiến lược của quỹ và giải quyết các vấn đề toàn cầu phức tạp - từ khả năng tiếp cận giáo dục và nghèo đói đến các biện pháp tránh thai và vệ sinh. Bà dành phần lớn công việc để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Vào đầu tháng 5/2021, Bill Gates và Melinda Gates tuyên bố ly hôn nhưng sẽ vẫn là đồng chủ tịch của quỹ. Sau khi ly hôn, bà nhận được số chứng khoán trị giá hơn 3 tỉ USD .
Bà Melinda nhận thấy sứ mệnh xa hơn của mình trong việc giúp các công ty do phụ nữ thành lập nhận được vốn tài trợ với sự trợ giúp của quỹ đầu tư.
6. Abigail Johnson, Giám đốc điều hành Fidelity Investments.
Abigail Johnson đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Fidelity Investments vào năm 2014, sau khi kế vị từ cha. Năm 2016, bà trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. Tỷ lệ sở hữu cổ phần ước tính là 24,5%, tính theo giá trị tài sản là 4,2 tỉ USD.
Bà Johnson tích cực quan tâm đến tiền điện tử. Vào năm 2018, bà đã tung ra một nền tảng cho phép các nhà đầu tư tổ chức giao dịch Bitcoin và Ethereum.
7. Ana Patricia Botin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Banco Santander.
Bà Botin đã trở thành Chủ tịch của Banco Santander từ năm 2014, sau cái chết đột ngột của cha bà, ông Emilio. Bà đã thực hiện một kế hoạch táo bạo vào năm 2017 khi Banco Santander thành công mua lại Banco Popular (BP) với giá 1 euro để trở thành ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha.
Bà ủng hộ mạnh mẽ cho công nghệ tài chính và tập trung vào các nhà khởi nghiệp, ủng hộ cho các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
8. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Vào tháng 7/2019, Ursula von der Leyen được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Từ năm 2005 đến 2019, bà đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel.
9. Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc).
Năm 2016, Thái Anh Văn trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu chính quyền Đài Loan. Năm 2020, bà tái đắc cử với 57% phiếu bầu. Kể từ khi nhậm chức, bà có kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan bằng các sáng kiến công nghệ sinh học, quốc phòng và năng lượng xanh.
Trong đại dịch Covid-19, bà đã nhanh chóng tổ chức truy tìm kỹ lưỡng những người bị nhiễm bệnh, nhờ đó góp công lớn vào công tác phòng chống dịch ở Đài Loan.
10. Julie Sweet, Giám đốc điều hành Accenture.
Julie Sweet trở thành Giám đốc điều hành của công ty tư vấn toàn cầu Accenture vào tháng 9/2019. Bà điều hành một công ty dịch vụ chuyên nghiệp với hơn nửa triệu nhân viên tại 51 quốc gia - những người đang giúp khách hàng tìm ra 'trật tự thế giới mới'.
Phần lớn doanh thu của công ty là từ số lượng lớn khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh đám mây, kỹ thuật số và bảo mật. Khi Covid-19 bùng phát, công ty đã khai thác điều này để giúp kết nối 1,2 triệu nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh từ xa và hợp tác với Salesforce cho ra đời công nghệ truy vết tiếp xúc và quản lý vắc xin.