'Đánh thức' nghệ thuật công cộng
Hà Nội đã có những sự quan tâm nhất định đến KGCC như diện tích trồng cây xanh được mở rộng, số lượng các công viên nhiều hơn, tổ chức các tuyến phố đi bộ. Tiêu biểu như trong 5 năm qua, quận Hoàn Kiếm dù có diện tích chật hẹp nhưng đã sáng tạo và lập ra 13 KGCC, điển hình như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố nghệ thuật Phùng Hưng, KGCC ven sông Hồng tại phường Phúc Tân….Có điều, diện tích cho KGCC vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Đầu năm 2023, Phố bích họa Phùng Hưng đã được tu sửa. Họa sĩ Lê Đăng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc tu sửa các tác phẩm nghệ thuật này cho biết: phố bích họa Phùng Hưng đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi được đưa vào sử dụng. Các tác phẩm được trưng bày ngoài trời, chịu tác động của nắng mưa, lại thường xuyên tương tác với người xem nên đã xuống cấp, bong tróc, phai màu.
Hà Nội cần thêm những không gian công cộng như phố Phùng Hưng để người dân được hưởng thụ. Ảnh: Thanh Tuấn
Qua thời gian thực hiện tu sửa, các tác phẩm đã dần trở lại hiện trạng ban đầu, sau khi được gia cố nền, vẽ lại, sơn mới và sơn phủ nên tươi sáng hơn. Còn với các tác phẩm điêu khắc, các họa sĩ phải tìm những vật liệu thay thế, trám vào những chỗ bị hư hỏng.
Việc chỉnh trang, tu sửa Phố bích họa Phùng Hưng là một tin vui cho các không gian nghệ thuật công cộng, cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của nghệ sĩ để giải quyết tình trạng xuống cấp của các tác phẩm. Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Đăng Ninh: 'Việc bảo vệ các tác phẩm, không gian nghệ thuật cần có sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý, các nghệ sĩ mà còn của cả cộng đồng xung quanh'.
Thực tế cho thấy, những KGCC với nhiều người dân Hà Nội đó là cả một 'bầu trời' ký ức. Để khơi dậy những ký ức đẹp đẽ đó, thời gian qua những KGCC đã được nhà quản lý nỗ lực thay hình đổi dạng dưới 'phép màu' nghệ thuật. Sau những lần mở rộng vào năm 2014 và 2016, không gian Phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung trên mọi phương diện: Sức hút văn hóa, quảng bá hình ảnh và giá trị kinh tế.
Với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, không thể phủ nhận đã thay đổi chất lượng cuộc sống của cộng đồng người dân nơi đây. Những ai đến với khu Phúc Tân giờ đây không khỏi ngạc nhiên, từ sáng đến khuya luôn có người qua lại vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Bản thân người dân Phúc Tân cũng thực sự tự hào vì dự án nghệ thuật này đã thay đổi những định kiến của người dân trong phố với người dân nơi đất bãi, bờ vở. Đây cũng là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của các phương tiện truyền thông báo mạng, báo giấy, báo hình. Dự án này cũng nhận được nhiều bình luận tích cực từ giới học thuật trong và ngoài nước.
Để Hà Nội mãi đẹp
Nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong hình thành các KGCC, thời gian qua, TP đã chỉ đạo ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai nhiều cuộc thi, giải thưởng về thiết kế nghệ thuật công cộng hay thiết kế không gian sáng tạo công cộng, dựa trên những tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử khu vực, mang đến những mô hình, giải pháp mới mẻ, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ và giáo dục.
'Từ các sự kiện này, nhiều sáng kiến, ý tưởng đã vận dụng đa giải pháp công nghệ, là gợi ý hiệu quả cho việc mang nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật tới gần hơn với công chúng thông qua các KGCC. Thời gian tới, những hoạt động như trên sẽ tiếp tục được tổ chức nhằm phát huy tư duy sáng tạo cũng như kêu gọi các nguồn lực hợp tác hình thành, phát triển các không gian nghệ thuật sáng tạo công cộng cho Thủ đô' - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.
Các chuyên gia đô thị cho rằng, KGCC đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như 'châm cứu, chữa lành' cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những KGCC cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, KGCC đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của đô thị. Hà Nội, với vai trò thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, rất cần khơi dậy các ý tưởng sáng tạo để khai thác hiệu quả các không gian này, đưa nơi đây thành điểm hội tụ văn hóa và định hình bản sắc đô thị, trên nền tảng truyền thống nghìn năm văn hiến cũng như các giá trị văn hóa mới.
Đã đến lúc vấn đề xây dựng và quản lý KGCC cần được đẩy lên một tầm cao mới, đòi hỏi một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà quản lý cho đến người dân. Ở đó, mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn mỹ thuật, cho dù diễn ra nhỏ lẻ trong một cộng đồng dân cư hay rộng hơn là cả một đô thị, cần được xây dựng trên một nền tảng ý thức và quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, để cộng đồng thiết kế có thêm hứng thú, động lực sáng tạo nhiều hơn KGCC độc đáo, ngoài những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, cần nâng cao vai trò tham gia của người dân, chủ thể của KGCC.
Theo khảo sát của Tổ chức TP sống tốt (Health Bridge), Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm KGCC chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Trong khi đó, quy chuẩn tiêu chuẩn ngành Xây dựng đặt ra là 2m2 cây xanh/người, đối với đô thị đặc biệt là 7m2 cây xanh/người.