Bệnh nhân 57 tuổi, ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về điều trị.
Đến ngày thứ 5 bệnh nhân mới nhập viện thì phát hiện ra sốt xuất huyết và suy gan thận. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân quá nặng nên không qua khỏi.
Hiện tại, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Các bác sĩ cho biết, đây là mùa cao điểm nên người dân cần lưu ý phòng tránh muỗi đốt, dọn dẹp vệ sinh nơi ở không để phát sinh các ổ loăng quăng, bọ gậy.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đây là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết và đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng; Chẩn đoán khi tử vong tại bệnh viện Bạch Mai: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu-sốc Dengue/Ngộ độc paracetamol.
Một trường hợp điển hình của bệnh sốt xuất huyết với dấu hiệu xuất huyết dưới da ở cẳng chân.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2020, khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi (ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo) nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.
CDC Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bệnh viện Bạch Mai điều tra thông tin chi tiết, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trong quá trình điều trị tại Bệnh viện. Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã khoanh vùng, tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật sáng 2/9/2020, diện khoanh vùng xử lý 59 hộ đồng thời tăng cường truyền thông phòng chống Sốt xuất huyết cho nhân dân trên địa bàn.
Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà
Trước thực tế có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo: Khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế tránh những biến chứng nguy hiểm, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
TS.BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Virút – Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo, các bệnh nhân SXH có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng.
'Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị và theo dõi. Đa số các bệnh nhân thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 4, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh.
Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên'.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng nhấn mạnh, SXH do vi rút Dengue lây truyền bởi muỗi Aedes aegypti, là một loại muỗi vằn sống ở thành thị đốt truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Do vậy các biện pháp phòng bệnh hiện nay là không đặc hiệu bao gồm nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước ở trong nhà hay quanh nhà.
Nếu có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị SXH hay không. Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh phát hiện sớm SXH để bác sĩ có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời.