Ám ảnh dòng sông 'tử thần''
Những năm gần đây, trên con sông Đào (chảy qua địa bàn huyện Yên Thành, Nghệ An) thường xảy ra các vụ đuối nước đau lòng. Các nạn nhân phần lớn là các em nhỏ, học sinh.
Điển hình như vụ việc xảy ra vào tháng 1/2021, cháu N.B.H (9 tuổi, trú xã Liên Thành, huyện Yên Thành) không may sảy chân rơi xuống sông Đào đoạn chảy ra địa bàn xã. Sau gần 3 ngày tìm kiếm, thi thể cậu bé xấu số mới được tìm thấy cách hiện trường khoảng 3km.
Hàng trăm người tập trung tìm kiếm bé trai 9 tuổi rơi xuống sông Đào (xã Liên Thành, huyện Yên Thành) vào tháng 1/2021.
Điều đáng nói, H. biết bơi, khi sảy chân xuống sông, em cố bấu víu vào bờ sông nhưng không được do bờ kè được làm bằng bê tông quá trơn trượt, mái taluy lại cao, không có bậc thang lên xuống.
Tiếp đó, vào đầu tháng 4/2021, em Nguyễn Lê A. (13 tuổi, học sinh Trường THCS xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) cùng 2 người bạn ra sông Đào tắm, không may bị nước cuốn trôi. Hai người bạn may mắn thoát nạn, riêng A. bị nước nhấn chìm, hơn 1 ngày sau mới tìm được thi thể.
Ngược thời gian, dù đã 10 năm trôi qua nhưng người dân xã Trung Thành vẫn chưa quên được cái chết đau lòng của hai chị em ruột Nguyễn Thị T. (24 tuổi) và Nguyễn Thị P. (22 tuổi) trên sông Đào. Vào thời điểm xảy ra sự việc, cả hai chị em đang là sinh viên một trường đại học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế…
Qua tìm hiểu của PV, mấy năm trở lại đây, con sông Đào chảy qua địa bàn huyện Yên Thành đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ, học sinh.
Theo quan sát, dọc sông Đào, hai bên mái được bạt taluy và lát bê tông có độ dốc cao, trơn trượt. Các bến lên xuống sông rất ít, và hầu như không có điểm cứu sinh.
Mái kè taluy được làm bằng bê tông, dốc, trơn trượt, vô cùng nguy hiểm.
Lãnh đạo UBND các xã Tăng Thành, Liên Thành, Bắc Thành (huyện Yên Thành) cho biết, năm nào trên địa bàn cũng xảy ra 2-3 vụ đuối nước trên sông Đào. Trong số những người gặp nạn, có cả những người biết bơi. Việc làm kè mái sông bằng bê tông chống sạt lở giúp lưu lượng nước chảy nhanh hơn, nhưng cần thêm các bậc lên xuống hoặc lan can, các trụ bê tông để nếu có người rơi xuống còn có chỗ để lên bờ.
Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cũng vô cùng băn khoăn và đặt câu hỏi: tại sao khi thiết kế xây dựng mái kè taluy bằng bê tông, người ta không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra đối với con người và vật nuôi nếu không may rơi xuống sông, để có những giải pháp an toàn hơn, tránh những tai nạn đuối nước thương tâm?
Mong muốn giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc, UBND huyện Yên Thành cũng đã có văn bản gửi các cấp ngành liên quan để khảo sát và trình lên bổ sung thiết kế các bến rửa, phao cứu sinh để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn có giải pháp để triển khai cụ thể.
Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư trên 5.705 tỷ đồng. Riêng gói thầu kè kênh Đào - ba ra Đô Lương có trị giá 700 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2019, theo hợp đồng sẽ kết thúc vào năm 2021. Hiện dự án này vẫn đang được gấp rút thi công.
Hàng ngàn thang cứu đuối dọc sông Đào
Nhiều tháng qua, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em, các cơ sở Đoàn ở huyện Yên Thành triển khai mô hình 'thang cứu đuối' làm bằng lốp, xích xe máy cũ đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn huyện dọc con sông Đào.
Các vật liệu gồm lốp xe máy, dây thép... kết thành những chiếc thang cứu đuối thả xuống bờ sông Đào để cứu những người không may rơi xuống dòng sông này, vốn đã được đổ bê tông hai bên mái bờ, không có chỗ bám.
Bí thư Đoàn xã Lăng Thành, anh Trần Văn Cánh cho biết, Đoàn Thanh niên xã Lăng Thành đã làm được 60 chiếc phao cứu sinh bằng lốp xe máy cũ. Mỗi chiếc phao được kết thành bởi 6 chiếc lốp. Trước đó, đoàn xã đã làm xong và thả trên hệ thống sông Đào 20 chiếc phao cứu sinh.
'Toàn bộ 60 thang cứu đuối được làm trong đợt này là do một số con em địa phương làm thiện nguyện ở TP Vinh hỗ trợ lốp xe, cùng với 3 triệu đồng tiền mặt để mua một số vật liệu khác', anh Cánh thông tin thêm.
Hệ thống các thang cứu đuối được các cơ sở đoàn lắp đặt dọc các tuyến sông Đào.
Còn Bí thư Đoàn xã Mã Thành, anh Hồ Phúc An cho hay: ''Đoạn sông Đào chảy qua địa bàn xã dài khoảng gần 3km. Thời gian qua, chúng tôi đã vận ủng hộ lốp, cùng các vật liệu khác để làm hàng chục thang cứu đuối. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục vận động, triển khai làm thêm để lắp đặt dọc đoạn sông chảy qua địa bàn, để phòng chống đuối nước'.
Theo anh Nguyễn Khắc Bằng, Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Thành, sau khi Huyện đoàn có chủ trương chung là phát động làm thang cứu đuối trên hệ thống sông Đào, tất cả các cơ sở Đoàn của các xã dọc tuyến sông đều đồng tình hưởng ứng rất tích cực.
Đến nay, hơn 20km sông Đào qua địa bàn huyện Yên Thành đã được bố trí thang cứu đuối. Vẫn còn nhiều đoạn bờ sông số lượng phao đặt chưa được dày, thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục phát động các cơ sở đoàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn việc làm ý nghĩa này.
'Con sông Đào được xây kè hai bên, rất dốc và trơn trượt nên nếu không may sảy chân rơi xuống sông sẽ không có chỗ bám víu để lên bờ. Trong khi đó, nhiều người thường ra sông bơi lội, bất chấp các biển cảnh báo, nhất là vào dịp hè. Đến nay, các cơ sở Đoàn đã triển khai được gần 1.000 thang cứu đuối dọc 2 bên bờ sông Đào mang lại hiệu quả và được người dân các địa phương đồng tình hưởng ứng', Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Thành cho hay.
Hàng chục thang cứu đuối được lắp đặt 2 bên mép sông đoạn qua xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.
Thang cứu đuối sẽ là 'cứu cánh' cho những ai không may bị rơi xuống sông.