Đó là thông tin phát đi từ Sở Y tế TP HCM chiều 24-6.
Báo cáo nhanh của 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH của TP HCM còn thể hiện có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp SXH nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.
Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 89 bệnh nhi, 21 trường hợp bệnh nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 90 bệnh nhi bị SXH, 8 ca nặng, trong đó có 2 ca đang thở máy.
Trong tháng 6-2022, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tăng cao, chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) thăm khám cho bệnh nhi sốc sốt xuất huyết nặng
Theo Sở Y tế, hiện nay, SXH đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao, đơn vị khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh nhi T.T.Đ (12 tuổi, ngụ Bình Phước) bị sốc sốt xuất huyết đã hồi phục sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện đang điều trị cho 373 trường hợp SXH (264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các trường hợp đang điều trị nội trú của bệnh viện, có 45 trường hợp nặng, trong đó 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu.
Bệnh nhân nam, 34 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu đang được hồi sức tích cực, lọc máu tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Theo thống kê tại bệnh viện trong tháng 6 số ca mắc SXH nhập viện tăng cao, chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.661 ca SXH điều trị nội trú, trong đó 1.310 người lớn và 351 trẻ em. Về số ca nặng có 200 người, trong đó có 46 trẻ em và 154 người lớn. Số ca bệnh điều trị ngoại trú có 4.835, trong đó trẻ em có 1.479 và 3.356 người lớn.
BS-CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết bệnh viện có 550 giường, tuy nhiên, hiện đang điều trị hơn 600 bệnh nhân, trong đó, có hơn 300 bệnh nhân mắc SXH.
Hành lang tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được trưng dụng để xếp giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì quá tải
'Khoảng 2-3 tuần trở lại đây tỉ lệ bệnh nhân SXH tăng cao, tại bệnh viện vượt quá mức 100% so với số giường tại bệnh viện. Hành lang tại một số khoa đã bắt đầu được trưng dụng để xếp giường cho bệnh nhân. Những bệnh nhân nguy cơ chuyển nặng hoặc đã ổn định sẽ theo dõi tại khoa' - bác sĩ Phong cho hay.
Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là khoa tiếp nhận điều trị Covid-19 nhưng do bệnh nhân sốt xuất huyết đông nên tại đây đã chia khu vực để điều trị sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Phong, Khoa Nhiễm D là khoa tiếp nhận điều trị Covid-19, hiện tại vẫn còn bệnh nhân nhưng giảm nhiều. Tuy nhiên, do các khoa khác quá tải không còn giường để nằm nên khoa nhiễm D tăng cường tiếp nhận bệnh nhân. Hiện tại khoa có 60 bệnh nhân SXH đang điều trị.
Các bác sĩ cho biết dịch truyền và cao phân tử điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM không thiếu
Bác sĩ Phong cho biết bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối không được tiêm bắp tay
Bệnh nhân nam 27 tuổi, ngụ TP HCM bị bầm tím sau khi tiêm bắp tay tại phòng khám tư nhân
TS-BS Nguyễn Văn Hảo - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết những ca bệnh SXH nặng đang điều trị tại bệnh viện đa số đều tự mua thuốc uống ở nhà. Đến khi trở nặng mới vào bệnh viện điều trị. Điển hình, hiện tại khoa đang điều trị 4 bệnh nhân SXH nặng, trong đó, 3 ca thở máy, 1 ca phải lọc máu.
Trong 4 ca sốc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có 1 ca bệnh phải lọc máu
Ca bệnh lọc máu là bệnh nhân nam (34 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốc SXH nặng, tổn thương gan, thận.
Hiện bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, lọc máu.
Bác sĩ Hảo chia sẻ qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết trước khi nhập viện địa phương bệnh nhân sốt 5 ngày, chỉ mua thuốc tự uống. Tuy nhiên, sau đó chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết bất thường mới nhập viện địa phương điều trị.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán SXH, các bác sĩ xử trí chống sốc nhưng tình trạng diễn tiến nặng tổn thương gan, xuất huyết nặng hơn nên bệnh viện địa phương đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cấp cứu. Hiện bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, lọc máu.