Điển hình mới đây nhất là vụ nam thanh niên chém bố và cậu ruột bạn gái khi về nhà ra mắt ở Thái Bình hay vụ sát hại người yêu cũ, đâm trọng thương tình địch mới xảy ra tại TP Bắc Ninh.
Nguyên nhân nhiều người trẻ gây án
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng liên quan mâu thuẫn tình cảm, dù lý do đều nhỏ nhặt, nhưng đối tượng ra tay rất tàn nhẫn, hành vi có tính chất côn đồ, gây hoang mang, lo lắng dư luận.
Vụ án mạng tại TP Bắc Ninh khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo đó, đối tượng gây án thường là người trẻ tuổi, về mặt tâm sinh lý chưa có suy nghĩ chín chắn, chưa từng trải, thiếu kỹ năng sống nên dễ bị kích động. Khi có mâu thuẫn xảy ra không kiểm soát được cảm xúc nên thực hiện hành vi thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật.
Một số thanh niên mới lớn thích thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ mình trước xã hội có xu hướng sử dụng bạo lực. Một số đối tượng trẻ nghiện chơi game, đặc biệt là các trò game bạo lực có cảnh chém giết làm ảnh hưởng đến tâm lý và sẽ xem nhẹ hành vi gây ra thương tích, sát hại người khác nên khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách rất lạnh lùng.
Những thanh thiếu niên sống trong gia đình bất hòa, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý và nhân cách. Những đứa trẻ lớn lên có thể sẽ bế tắc trong cách giải quyết mâu thuẫn và cũng sẽ lựa chọn bạo lực làm cách giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. Mặt khác, một số thanh thiếu niên được gia đình nuông chiều, nhưng không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác dễ hình thành cách suy nghĩ lệch lạc. Khi bước vào mối quan hệ yêu đương, xảy ra mâu thuẫn, rất dễ thực hiện những hành vi tiêu cực khi không thỏa mãn được nhu cầu vật chất và cảm xúc.
Trong các mối quan hệ tình cảm, tình yêu luôn có nhiều cảm xúc, dễ bị kích động và khi mâu thuẫn thì người trong cuộc dễ mù quáng dẫn tới những hành vi thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật. Những vụ việc gần đây cho thấy tư duy 'sở hữu người yêu', 'không ăn được thì đạp đổ' đã trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Khi đã yêu rồi mà chia tay, nhiều đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại bạn tình để trả thù chỉ vì lòng ích kỷ, đố kỵ.
Chặn người trẻ gây án thế nào?
Theo luật sư Cường, để giảm thiểu những vụ án mạng nghiêm trọng như vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến nhóm thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, những đối tượng dễ bị lôi kéo kích động trở thành băng nhóm tội phạm hoặc những đối tượng có diễn biến tâm lý bất thường;
Phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con cái, tạo điều kiện cho các con rèn luyện đạo đức, trí tuệ, nghị lực, rèn luyện kỹ năng sống để có thể vượt qua được những tình huống mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
Giải pháp lâu dài, cần phải đổi mới giáo dục để tăng cường hơn nữa mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, sự nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Tính cách con người được hình thành chủ yếu thông qua giáo dục và khả năng tu dưỡng rèn luyện, trong môi trường sống. Khi đạo đức, văn hóa của từng công dân được nâng lên, xã hội có những chuẩn mực đạo đức để người ta dễ nhận diện, dễ làm theo, học theo thì khi đó trật tự xã hội sẽ ổn định hơn, tội phạm sẽ giảm đi.
'Vấn đề pháp luật sẽ là khuôn mẫu của hành vi, là ranh giới để đánh giá tính hợp pháp hoặc không hợp pháp của hành vi con người. Cùng với đạo đức, văn hóa. pháp luật cũng sẽ bổ sung những quy phạm để điều chỉnh hành vi con người. Khi con người có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài. Việc áp dụng chế tài của pháp luật cũng là một trong các biện pháp giáo dục đạo đức, để công dân nhận thức được sai phạm của mình mà khắc phục, sửa chữa”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, những vụ án mạng thương tâm xảy ra thời gian qua do ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm là nỗi nhức nhối của xã hội. Đã đến lúc cần có những đánh giá lại về vi phạm trật tự, đạo đức xã hội, chúng ta cũng cần nhìn lại công tác giáo dục của các tổ chức Đoàn thanh niên, gia đình, nhà trường với giới trẻ ra sao để kịp thời ngăn chặn tình trạng này.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Phú Yên cho rằng, điều quan trọng nhất là cần hướng giới trẻ đến việc yêu và sống tích cực, lạc quan, muốn vậy môi trường xã hội cần tốt hơn, cần tạo công ăn việc làm cho người trẻ để giảm bớt những rủi ro, ức chế cá nhân. Việc giáo dục các mối quan hệ cần thay đổi từ trong trường học, gia đình và đoàn thanh niên. Thay vì ra quân vận động, phát động, các hoạt động của đoàn thanh niên cần đi vào chiều sâu để hiểu rõ cuộc sống, những gì mà người trẻ đang phải trải qua.
'Cần thay đổi trong việc giáo dục để người trẻ được sống, được học cách tự điều chỉnh hành vi của chính mình, vượt qua những áp lực. Bố mẹ hay thầy cô không thể theo sát các em mà chính các em phải chịu trách nhiệm với những hành vi của mình. Đương nhiên cần có sự quan tâm của gia đình và nhà trường, xã hội. Chúng ta không thể bỏ rơi bất cứ ai, nhưng điều đó không có nghĩa là bao cấp, không thể để những bạn trẻ mãi không thể trưởng thành. Song cũng không nên vì một vài hành động cá biệt mà đánh giá giới trẻ', ông Nghĩa nói.
Nghi phạm chém cha của bạn gái ở Thái Bình bị xử lý thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của đối tượng chém cha và cậu của bạn gái ở Thái Bình là rất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác bởi vậy cơ quan điều tra có thể xem xét xử lý hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên có liên quan, xác định hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.