Sau bao lâu tiêm vắc xin miễn dịch sẽ suy giảm?
GS. TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết người đã mắc và đã tiêm vắc xin thì kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Song đến nay ngưỡng miễn dịch, ngưỡng bảo vệ chưa xác định. Chúng ta chưa biết được với ngưỡng kháng thể thế nào thì chúng ta bảo vệ được khỏi Covid-19.
“Hiệu quả bảo vệ của vắc xin với biến chủng Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm, chúng ta có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian qua thì không. Điểm quan trọng của vắc xin là mắc bệnh không nặng, không tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết thêm.
Tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) đặc biệt hữu ích đối với những người nào?
Trong khi đó, TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.
Tại Việt Nam, từ khi dịch bùng phát đến nay đã ghi nhận hơn 32.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong đó, gần 53% số tử vong là chưa tiêm vắc xin, gần 30% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin và chỉ có khoảng 7% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Qua đó cho thấy hiệu quả của vắc xin, hiệu quả tăng dần từ không có mũi nào đến tiêm 1,2 rồi 3 mũi. Hiện việc triển khai tiêm mũi 3 tại nước ta đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên.
“Vậy với mũi 3 đến bây giờ hiệu quả bảo vệ như thế nào? Chúng ta thấy rằng thời điểm chúng ta tiêm mũi 3 đến nay đã quá thời điểm thấy hiệu quả của vắc xin. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế giới NEJM cho thấy hiệu quả của vắc xin sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng”, TS Dương phân tích.
Cụ thể, sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 thì hiệu quả bảo vệ chỉ 51% với Omicron, sau đó giảm dần, thậm có nghiên cứu chỉ còn 10-20%. Như vậy, rõ ràng đến thời điểm hiện nay việc tiêm nhắc lại mũi 4 rất cần thiết.
Việc tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) đặc biệt hữu ích đối với những người:
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.
- Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Vẫn theo TS Dương, nghiên cứu đăng trên tạp chí NEJM, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Cụ thể: Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.
Do đó, một lần nữa, các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc xin là yêu cầu phòng dịch, đó đó mỗi người dân cần đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, đúng liều.
Xuất hiện biến thể mới chủng Omicron
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết trên thế giới số mắc Covid-19 hiện tăng 8%, tử vong giảm 3%. Tuy nhiên, nhiều nước đang lo ngại bùng phát mới trong mùa hè. Trên thế giới số mắc chưa ổn định có lúc tăng, lúc giảm, không đồng đều giữa các khu vực. Chẳng hạn tại khu vực châu Phi có sự gia tăng số mắc, tử vong; tại khu vực Tây Thái Bình Dương gia tăng ca tử vong.
'Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý là trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA1, BA2 thì đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA4, BA5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Điều này làm dấy lên quan ngại về quá tải chăm sóc y tế', GS Lân nhấn mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng.
Tại châu Âu, biến thể phụ BA4, BA5 đã ghi nhận ở nhiều nước và làm gia tăng số ca mắc trong những tuần gần đây. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm…
'Việt Nam hiện đã có sự xâm nhập chủng BA5. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA1 và BA2). Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện này thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả', GS Lân nhấn mạnh.