Gần đây, đối tượng 'quấy phá' điện thoại di động, thậm chí tin nhắn de dọa với nhiều chiêu thức khác nhau nhằm chiếm đoại tài sản.
Chị P.T.N. (ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bức xúc: 'Vào cuối tháng 6-2020, tôi ngủ trưa thì bị nhóm lừa đảo gọi điện đến, dọa rằng có liên quan đến đường dây tội phạm buôn ma túy và rửa tiền. Quá lo sợ, tôi đến ngân hàng chuyển 126 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của chúng.
Sau khi về nhà, nghi bị lừa nên quay lại ngân hàng trên, nhờ chặn giao dịch. Nhưng lúc này, số tiền của tôi đã chuyển vào tài khoản của nhóm lừa đảo và bị chúng chiếm đoạt'.
Còn chị B.T. được ngân hàng ngăn chặn kịp thời nên may mắn không mất nửa tỷ đồng. Bà L. nói: 'Khi tôi làm việc thì bất ngờ nhận được số điện thoại lạ giới thiệu là cơ quan Công an và dọa liên quan đến đường dây tội phạm. Chúng nói nếu muốn chứng minh không liên quan thì phải chuyển 500 triệu vào tài khoản Phạm Thúy Ly. Đến 16 giờ mà không chuyển tiền sẽ có người đến bắt giữ. Tôi bị các đối tượng uy hiếp tinh thần qua điện thoại suốt 2 tiếng đồng hồ. Kẻ gian còn đe dọa, bảo không được trình báo Công an và không được nói với ngân hàng'.
Không chỉ phụ nữ mà nạn nhân chúng nhắm đến là đàn ông, người già có tài khoản trong ngân hàng. 'Khoảng trung tuần tháng 7-2020, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ số điện thoại 560024383251xx của một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bưu điện. Đối tượng gằn giọng nói đã gửi bưu phẩm nhiều lần đến địa chỉ nhà mà tôi không chịu nhận. Tôi hỏi lại địa chỉ gửi thì thấy thông tin sai. Tiếp đó, đối tượng nói tôi liên quan đến vụ án hình sự do TAND TP Hà Nội thụ lý và yêu cầu đến nhận giấy triệu tập gửi qua đường bưu phẩm ở quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Nếu không nhận sẽ có cán bộ vào bắt, di lý ra thẩm tra. Để nhận được bưu phẩm phải nộp 100 triệu đồng vào tài khoản của chúng, nếu không liên quan sẽ trả lại ngay. Tôi nghĩ bản thân không làm chuyện phạm pháp. Tôi cũng từng nghe Công an cảnh báo nhiều về thủ đoạn này. Do vậy, tôi đề nghị đối tượng cung cấp danh tính, địa chỉ cụ thể tại quận 7 để làm việc. Biết bị lộ, đối tượng cúp máy ngay', anh N.Đ.M. (ngụ TP Hồ Chí Minh) kể lại.
Hai đối tượng sử dụng mạng xã hội và điện thoại để lừa đảo bị bắt giữ cùng tang vật.
Mới đây, ông N.V.B (65 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) cũng nhận cuộc gọi có đầu số lạ. Đầu dây bên kia mời ông đến bưu điện nhận quà từ Mỹ, do cháu nội đích tôn của ông gửi về. Mới đầu, ông B. thấy thông tin trùng khớp với việc cháu trai mình đang đi học tại Mỹ. Khi đối tượng nói ông phải chuyển phí trước là 200 USD thì mới được nhận quà từ... bên kia trái đất. Ông B. sinh nghi, ra bưu điện hỏi thăm thì biết đó chỉ là trò lừa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Qua nhiều vụ việc trên, Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành nhận thấy, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn sau: Lừa khách hàng tự chuyển tiền. Giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra. Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.
Sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước: Đối tượng xấu gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản của người khác.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng: Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.
Từ các thủ đoạn phạm tội trên, cơ quan Công an khuyến cáo, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau: Giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng. Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.
Lừa đi nhận tiền từ thiện để chiếm đoạt nhẫn vàng Công an TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, đang xác minh tin báo của bà T.T.P. (SN 1962, tạm trú phường 6) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt nhẫn, dây chuyền bằng vàng. Trưa 12-8, bà T. đang quét sân thì có một phụ nữ khoảng 60 tuổi đi xe máy màu đen, mặc áo khoác đỏ đến nói rằng có Việt kiều đang phát quà từ thiện, mỗi người được nhận 5 triệu đồng. Bà P. tin lời nên lên xe người phụ nữ này chở đi. Đến trước cổng trường Đại học Trà Vinh, người phụ nữ này nói bà P. tháo nữ trang trên người đưa cho mình cất giữ. Theo người phụ nữ này, nếu thấy bà P. đeo vàng, Việt kiều sẽ không cho tiền. Bà P. tin tưởng tháo nhẫn vàng 24K và dây chuyền 18K đưa cho người phụ nữ này cất giữ. Sau đó kẻ lừa đảo nói bà P. đi bộ qua hẻm 136 đường D5 để nhận tiền. Bà P. vừa xuống xe, người phụ nữ này nhanh chóng tẩu thoát. Công an TP Trà Vinh khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo như trên, nhanh chóng báo Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Như An |