Chiều 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp
Đề nghị các địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về quê
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh, thành phía Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng (gọi tắt là Chỉ thị 16) thêm 1-2 tuần cũng như đề nghị Trung ương hỗ trợ y tế để nâng cao năng lực cách ly, điều trị khi có số lượng lớn người dân từ vùng dịch về quê.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương đề nghị Thành phố tạo điều kiều thuận lợi cho bà con về quê hương, tổ chức xét nghiệm cho người dân, khi âm tính các địa phương sẽ tổ chức đưa đón chu đáo.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200.000 người dân quê Tiền Giang, đã về quê lẻ tẻ bằng xe máy. Hiện nay, tỉnh đã nắm thông tin được gần 9.000 người, cách ly tại nhà và cách ly tập trung. Nếu ngươi dân về tiếp theo diện rộng sẽ gây khó khăn cho tỉnh vì tỉnh đang gặp khó khăn trong công tác cách ly và năng lực điều trị. Ngoài ra, tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc quản lý các công nhân khi buộc các doanh nghiệp ngừng hoạt động do không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Còn theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, thực hiện Chỉ thị 16, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang theo chiều hướng 'đi ngang', giảm chậm, nếu ngày 21/6 trung bình có 500 ca thì nay chỉ còn 300-320 ca. Tỉnh đang tầm soát và lập 'vùng xanh' với 10 địa phương, 'vùng đỏ' với 5 địa phương. Tỉnh Long An kiến nghị kéo dài việc thực hiện Chỉ thị 16 thêm 15 ngày nữa để làm sạch 'vùng xanh', làm hậu phương tập trung xử lý 'vùng đỏ.'
'Di chuyển bằng đường bộ, tất cả người dân về miền Tây đều phải qua Long An. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang phối hợp rất tốt trong việc đưa người dân về quê khi xây dựng kịch bản, quy định rõ ràng, tập hợp người về quê để test nhanh âm tính rồi mới đưa về. Vì thế, muốn tổ chức tốt vấn đề này, các tỉnh miền Tây cần phải phối hợp đồng bộ với Long An,' ông Phạm Tấn Hòa cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 19 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, bình quân mỗi ngày Thành phố phát hiện 3.369 ca nhiễm COVID-19, đã điều trị khỏi cho 21.338 bệnh nhân, hiện nay đang điều trị cho 37.029 bệnh nhân.
Theo ông Dương Anh Đức, Thành phố vừa nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115, đã bổ sung thêm 20 đường truyền và 60 nhân sự để phối hợp vận chuyển bệnh nhân.
Để tiếp tục chống dịch hiệu quả, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp mạnh nhằm thực hiện Chỉ thị 16, chuẩn bị ban hành hướng dẫn cụ thể về thực hiện Công văn 2468/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về nâng cao các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16+ tại Thành phố, trong đó hạn chế cụ thể các đối tượng để giảm tối đa số lượng người ra đường không cần thiết, tập trung vào thời gian từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày. Cùng với đó, Thành phố sẽ thực hiện Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa.
Đề xuất cấp bộ nhận diện đối với phương tiện lưu thông nội tỉnh
Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tổ trưởng Tổ đặc biệt của Chính phủ cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian qua ở một số địa phương chưa nghiêm, cần phải xem lại, kiểm tra lại để thực hiện cho đúng, cho hiệu quả. Hiện nay, vẫn chưa kiểm soát được việc đi lại của người dân đặc biệt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày.
Còn theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nay, việc truy vết tại Thành phố Hồ Chí Minh không hiệu quả nhưng 18 tỉnh phía Nam còn lại cần tận dụng thời gian vàng khi thực hiện Chỉ thị 16 để truy vết một cách quyết liệt, triệt để, không để lọt F0, F1 ngoài cộng đồng, không để F0, F1 'lang thang' ngoài cộng đồng quá lâu, lây nhiễm 2-3 chu kỳ khiến dịch bùng phát.
Bộ Công an thống nhất và chỉ đạo Công an các tỉnh khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành lập lực lượng phản ứng nhanh, trong đó có sự tham gia của lực lượng Công an trong việc truy vết triệt để.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an các tỉnh tham mưu lãnh đạo tỉnh để áp dụng biển pháp kiểm soát chặt chẽ người dân ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, tạo hiệu ứng với Thành phố Hồ Chí minh, nhất là các tỉnh xung quanh Thành phố nhằm chặt đứt chuỗi lây nhiễm.
Về vấn đề lưu thông, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải triển khai cấp mã QR code luồng xanh, tuy nhiên phương tiện được cấp mã rất ít, vẫn còn phương tiện nội tỉnh di chuyển trong tỉnh khi thực hiện Chỉ thị 16.
Vì thế, các ngành Công an và Giao thông vận tải cần thống nhất đề xuất cấp bộ nhận diện đối với phương tiện lưu thông nội tỉnh cả trên bộ và đường thủy để quản lý tốt, kịp thời phát hiện các phương tiện và người điều khiển có yếu tố dịch tễ khi đi vào các tỉnh. Đồng thời, Bộ Công an nghiêm cấm việc dừng phương tiện khi đang di chuyển để kiểm tra, tránh gây ùn tắc mà chỉ tăng cường kiểm tra điểm đi và điểm đến.
Tăng cường tối đa cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch COVID-19 đã lan rộng và sâu, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phần Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Vừa qua, các Bộ, ngành, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã vào Thành phố Hồ Chí Minh và đã thống nhất được phương án điều chỉnh chống dịch cho phù hợp với tình hình mới của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được mục tiêu giảm F0 và giảm tỷ lệ tử vong, giảm bệnh nhân có diễn biến nặng lên.
'Muốn vậy phải làm đồng bộ, tăng cường tối đa cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau, trang thiết bị, nhân lực, tập trung cho tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo việc chăm sóc, cứu chữa các bệnh không phải COVID-19. Riêng đối với dịch COVID-19 phải phân tầng lớp để làm tốt ở mỗi tầng, chăm sóc thật tốt các F0 không có triệu chứng,' Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay có nhiều văn bản, chỉ thị của Trung ương và mỗi địa phương, các chủ trương, chính sách đều đã đúng và đủ mạnh. Nhưng điều cần lưu ý là khả năng tổ chức thực hiện ở các cấp, đặc biệt cấp bên dưới, phải xuống tận khu phố, từng cụm dân cư, phải thực hiện nghiêm, triệt để Chỉ thị 16. Đó mới chính là giải pháp căn cơ, mới có thể làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh và cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
'Các địa phương cần thực hiện phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,' nhất quyết không để gia đình tiếp xúc với gia đình. Trong thời gian ngắn phải đảm bảo lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ cho người dân, dứt khoát không để người dân thiếu nhu cầu thiết yếu. Đồng thời tổ chức lại an toàn, không gây ách tắc và cần phải có kênh phân phối, vận chuyển đảm bảo an toàn,' Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Tổ chức mạng lưới bác sỹ tư vấn sức khỏe
Đề cập đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong cộng đồng, dịch đã thấm rất sâu, đòi hỏi phải tổ chức hệ thống giám sát, quản lý y tế cộng đồng thật dày, hoạt động thật trơn tru. Mỗi người dân phải được theo dõi sức khỏe, từng đối tượng có nguy cơ phải được theo dõi y tế và phải phải trợ kịp thời.
Để thực hiện được điều này có thể dùng tổng đài, tổ chức mạng lưới bác sỹ tư vấn sức khỏe, các tổ chức giám sát quản lý sức khỏe dân cư địa bàn. 'Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đã thống nhất với Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức triển khai sớm, đảm bảo quản lý và chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân,' Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Đối với vấn đề tổ chức người địa phương từ vùng dịch về các tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An do dịch bệnh đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa, nhu cầu về quê hương của bà con là hoàn toàn chính đáng. Chính quyền các tỉnh và các Bộ, ngành phải tổ chức phối hợp chặt chẽ với nhau để có kế hoạch chi tiết, cụ thể, kỹ lưỡng và tổ chức đưa đón bà con về quê chu đáo, tuyệt đối an toàn.
Các tỉnh thông qua cơ chế từ Mặt trận Tổ quốc, chính quyền cho đến Hội đồng hương phải tuyên truyền bà con tuân thủ các yêu cầu của chính quyền địa phương đang ở, tổ chức thông báo công khai cho người dân, tuyệt đối không để bà con vì không tổ chức đưa đón được đã tìm mọi cách vi phạm các quy định phòng, chống dịch để tìm đường về quê. Những trưởng hợp vi phạm sẽ bị xử lý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh phải đảm bảo lưu thông hàng hóa nhưng kiểm soát chặt chẽ dịch bện, không kiểm tra trên đường đi nhưng điểm đầu và điểm cuối phải kiểm tra, quản lý chặt. Các tỉnh phải chủ động, không được bị động, phải có trách nhiệm cộng đồng, chấm dứt tình trạng xe máy di chuyển từng đoàn về các địa phương. Các tỉnh, thành phía Nam tranh thủ thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16 để làm sạch vùng dịch, củng cố hậu phương cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề cập đến công tác chống dịch tại 'tâm dịch' Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách chống dịch của Thành phố phải khác với các tỉnh khác, ngay trong Thành phố có 'vùng xanh' Cần Giờ, Củ Chi cũng có cách thực hiện khác so với địa bàn khác của Thành phố.
Chia sẻ về sự vất cả, cống hiến hết mình của đội ngũ y tế hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Khi thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, lực lượng y tế và tuyến đầu chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đã hy sinh rất nhiều, mệt mỏi về thể trạng và căng thẳng tâm lý. Vì thế, tất cả mọi người phải cùng nhau tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, động viên kịp thời cho đội ngũ y, bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu.
Bên cạnh đó, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách rất lâu, vô cùng bất tiện và cần phải động viên, càng khó khăn càng phải đồng lòng, thực hiện nghiêm quy định của cơ quan chức năng.
'Giặc COVID-19 đã ở ngay trước cửa nhà mình rồi, nếu không thực hiện nghiêm thì bản thân và người thân của mình sẽ bị ảnh hưởng, cả phường, quận, tỉnh, thành và cả nước bị ảnh hưởng. Vì thế, mọi nhà, mọi lực lượng, không phân biệt bệnh viện công, tư đều phải tham gia chống dịch, huy động tối đa ở tất cả các khâu trong phòng, chống dịch chứ không riêng gì khâu điều trị,' Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thêm.