Việt Nam vừa qua đã tiếp nhận 4 ca nhiễm sốt rét ác tính có nguồn gốc ở châu Phi từ các trường hợp nhập cảnh gồm: 2 bệnh nhân trở về từ Angola (đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai); 1 bệnh nhân từ Bờ Biển Ngà và 1 người từ Cameroon, cùng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Các ca sốt rét nhập cảnh khó gây lây lan
Liệu các ca nhập cảnh mắc sốt rét có nguy cơ lây lan trong cộng đồng? PGS-TS-BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, cho biết điều này rất khó xảy ra. 'Tuy nhiên cũng có thể không loại trừ trường hợp bệnh nhân về từ vùng có muỗi truyền bệnh, sau đó mang mầm bệnh ở giai đoạn truyền bệnh. Bởi ký sinh trùng sốt rét muốn truyền qua người khác là phải qua muỗi Anopheles đốt. Bên cạnh đó, muốn phát triển được ký sinh trùng trong cơ thể muỗi thì muỗi phải đốt người đang nhiễm ký sinh trùng ở giai đoạn giao bào' - ông Đồng lý giải.
Kỹ thuật viên nghiên cứu mẫu bệnh phẩm sốt rét tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM
Theo PGS Đồng, hiện Việt Nam chỉ còn 27 tỉnh lưu hành bệnh sốt rét. Tuy nhiên, 2-3 năm gần đây, sốt rét giảm rất mạnh. Theo thống kê, năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca sốt rét ác tính, không có ca sốt rét tử vong. Khu vực miền Nam có 43 ca sốt rét được ghi nhận (tập trung chủ yếu ở 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước), giảm 76% so với năm 2020 (181 ca). Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tại các tỉnh phía Nam ghi nhận khoảng 10 ca. Đang vào mùa mưa nên có thể ca bệnh sẽ tăng hơn nhưng dự báo khoảng 30-40 ca cho cả năm.
'Trong 20 tỉnh phía Nam hiện chỉ còn 8 tỉnh lưu hành ca bệnh gồm: đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Bình Phước, Cà Mau, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương. Các tỉnh, thành còn lại gồm TP HCM và 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ không ghi nhận ca bệnh' - PGS Đồng nói.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam là một trong những điểm nóng của sốt rét. Mỗi năm có khoảng 1 triệu ca bệnh và có 4.000-5.000 ca sốt rét ác tính tử vong. Tuy nhiên, sau đó, với các chương trình phòng chống sốt rét, Việt Nam đã phòng chống căn bệnh này hiệu quả. Điển hình, trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy không ghi nhận ca bệnh sốt rét.
Theo TS Hùng, có nhiều yếu tố cộng hưởng để bệnh sốt rét được kiểm soát như điều trị, phòng chống tốt, ý thức người dân được nâng cao. Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị hóa khiến môi trường phù hợp cho muỗi Anopheles phát triển không còn. Do đó, nguồn lây bệnh và người bệnh cũng giảm.
Thông tin về lo ngại người nhập cảnh mắc bệnh sốt rét có lây lan, TS Hùng nhấn mạnh điều kiện để phát triển thành dịch thì phải có nguồn lây. Song song đó phải có muỗi Anopheles mới dẫn tới lây lan. Đặc biệt, tại TP HCM và Hà Nội muỗi Anopheles không còn ghi nhận nên khả năng lây lan là không có.
Triệt tiêu ký sinh trùng sốt rét
Theo PGS Lê Thành Đồng trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét do Chính phủ ban hành, dự kiến đến năm 2025 sẽ triệt tiêu ký sinh trùng Falciparum, loại nguy hiểm nhất gây sốt rét ác tính và tử vong.
Để phòng chống bệnh, biện pháp cơ bản là điều trị diệt ký sinh trùng, diệt muỗi truyền bệnh. 'Nếu trước đây, giám sát, báo cáo theo dõi trên số lượng nhưng bây giờ giám sát biết đến từng ca bệnh, tên tuổi, truy đến cùng để bao vây dập ổ dịch. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn, giám sát phòng chống bệnh sốt rét thì phải giám sát các trường hợp từ vùng dịch về. Riêng tại các cửa khẩu nên triển khai xét nghiệm để kịp thời phát hiện. Ví dụ người đi từ Mỹ nhưng có lịch sử đi du lịch ở vùng có dịch' - PGS Đồng cho hay.
'Muỗi truyền bệnh sốt rét thường có tập tính trú đậu trên tường, quần áo. Do đó, một trong những biện pháp phòng ngừa là ngăn muỗi đốt bằng cách phun hóa chất tồn lưu trong nhà, tẩm màn… Bên cạnh đó, thả cá, diệt bọ gậy, dọn dẹp xung quanh môi trường' - PGS Đồng khuyến cáo.
TS-BS Lê Quốc Hùng cho hay hiện nay Việt Nam đã có thuốc và phác đồ điều trị tốt bệnh sốt rét. Tuy nhiên, vấn đề chính là khả năng chẩn đoán sớm để kịp thời điều trị.
Hiện một số nơi tại Việt Nam vẫn còn lưu hành bệnh, đặc biệt là các vùng rừng núi, đây là yếu tố thuận lợi cho muỗi Anopheles phát triển. 'Dù còn lưu hành bệnh nhưng tại các địa phương này đã trở thành vùng dịch lưu hành ổn định, người dân có kháng thể. Vì vậy, khả năng bùng phát dịch ở những địa phương này cũng không có' - TS Hùng khẳng định.
Cách phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết Để nhận biết dấu hiệu bệnh sốt rét và không nhầm lẫn với sốt xuất huyết, TS Lê Quốc Hùng khuyến cáo thời điểm mới phát bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có những triệu chứng mơ hồ giống nhau như sốt, đau đầu, đau người. Tuy nhiên, tùy theo ký sinh trùng sẽ có những triệu chứng khác nhau sau đó. Với sốt rét, triệu chứng lâm sàng thường gặp là sốt thành cơn, sau sốt bệnh nhân vã mồ hôi và tỉnh táo. Với sốt xuất huyết bệnh nhân sốt, nhưng qua cơn sốt sẽ xuất hiện triệu chứng đau người, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt không vã mồ hôi và tỉnh táo như sốt rét.
'Để chẩn đoán, xác định vẫn phải thực hiện các xét nghiệm để có phương án điều trị cụ thể. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết thường gặp ở đô thị lớn, dân cư đông đúc còn sốt rét thường xuất hiện ở vùng rừng núi' - TS Hùng thông tin. Muỗi truyền bệnh sốt rét là muỗi Anopheles hay còn được gọi là muỗi đòn xóc. Có thể phân biệt muỗi sốt rét với các muỗi khác ở tư thế đậu. Hình thể muỗi truyền bệnh sốt rét đậu giống như một cây đòn nên còn có tên là muỗi đòn xóc. Các muỗi khác khi đậu thân hơi gù, bụng hơi chúi về phía mặt phẳng muỗi đậu.