Người dân lùa cừu tránh cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định, thiên tai sẽ trở nên phổ biến nếu thế giới không cắt giảm lượng khí carbon theo mức mà giới khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Bản đánh giá của WMO viện dẫn trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan và đợt nắng nóng ảnh hưởng đến mùa màng tại Trung Quốc đã và đang diễn ra là những ví dụ cho những thảm họa có thể xảy ra.
Báo cáo của WMO cho biết, sau khi lượng khí thải giảm 5,4% - mức giảm chưa từng có, vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu vì dịch bệnh Covid-19, thì dữ liệu sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát.
Tổng Thư ký WMO - giáo sư Petteri Taalas nhấn mạnh, rõ ràng thế giới đang đi sai hướng khi mà các nỗ lực giảm phát thải nhà kính không đạt mục tiêu và nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng lên tới mức cao mới. Khoảng 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu (hiện tại là năm 2016) sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. Ông Taalas cảnh báo việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc có tới 48% là nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong 1 năm của 5 năm tới.
Bà Tasneem Essop - Giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động khí hậu cho rằng, bức tranh mà báo cáo của WMO đưa ra là hiện thực mà hàng triệu người đang đối mặt với những thảm họa khí hậu liên tục tái diễn.
Còn theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), cần nâng cam kết của các nước lên 7 lần để đạt được mục tiêu tăng 1,5 độ C. UNEP nhấn mạnh, với các chính sách khí hậu trên toàn thế giới như hiện nay, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2,8 độ C vào năm 2100.
Như vậy, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng thời tiết cực đoan, gây ra những thảm họa thiên nhiên mà năm 2022 này là một minh chứng rõ ràng. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới cuộc sống con người. Vừa khô hạn lại vừa bão lụt không chỉ xảy ra tại Mỹ mà còn xuất hiện ở châu Á. Theo AFP, có những khu vực trên thế giới trước đó đã phải chịu khô hạn nghiêm trọng nhưng chỉ trong một tháng đã hứng chịu trận mưa chỉ xảy ra 'nghìn năm có một'.
Tiến sĩ Daniel Swain - nhà khoa học khí hậu (Đại học California, Mỹ), nói: 'Chúng ta ngày càng thấy mùa hè nóng hơn, có nhiều thiên tai khắc nghiệt hơn, mùa hè năm nay là một ví dụ. Thực chất những thiên tai này đã xuất hiện từ năm ngoái hay năm kia, nhưng không dày đặc và nghiêm trọng như bây giờ'. Tiến sĩ Swain dẫn chứng bang Kentucky (Mỹ), vùng sông Dương Tử (Trung Quốc), Pakistan, vùng Sừng châu Phi... mấy tháng qua đã phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt tàn khốc mà trước đó chưa từng xảy ra.
Tại châu Âu, nơi phải hứng chịu trận lũ lụt chưa từng có vào năm 2021 thì mùa hè năm 2022 lại chịu đựng những đợt nắng nóng khủng khiếp, nước trên nhiều dòng sông cạn kiệt cộng với hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm. Cùng một thời điểm, nếu như nạn cháy rừng bùng lên ở Tây Ban Nha thì tại New Zealand mưa lớn dữ dội. Thành phố Nelson ở đảo Nam của New Zealand chìm trong nước. Ông Yoann Martichon - người dân thành phố Nelson nói với AP: 'Ngọn đồi đổ sập, đất lở mạnh. Chúng tôi ra ngoài, thấy đất đá đổ thẳng về phía nhà mình. Thế là chúng tôi bỏ chạy'.
Tuy nhiên, kinh hoàng nhất là những trận mưa lũ tàn phá đất nước Pakistan, đến ngày 15/9 đã cướp đi sinh mạng của gần 1.400 người và ảnh hưởng đến trên 33 triệu người, cuốn trôi nhà cửa, đường bộ, đường sắt, vật nuôi và cây trồng. Thiệt hại hiện dự kiến lên tới hơn 30 tỷ USD.
Chưa hết, nói như Bộ trưởng Bộ Khí hậu Pakistan Sherry Rehman thì đất nước này đang phải đối mặt với sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết khi có từ hàng trăm đến hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày. Số ca mắc sốt xuất huyết tới ngày 14/9 đã cao hơn cả năm 2021 tới 50%. 'Với gần 600.000 người bị sốt xuất huyết, cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể tàn phá Pakistan nếu nó không nhanh chóng được kiểm soát' - ông Rehman nói đồng thời cho biết Pakistan hiện đang đối mặt với viễn cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng do có tới 70% cây trồng chủ lực như lúa và ngô bị phá hủy.
Trong một tuyên bố hôm 15/9, tỉnh trưởng tỉnh Sindh Murad Ali Shah cho biết, mưa gió mùa kéo dài sẽ khiến thời gian cần thiết để nước rút tăng lên, với ước tính từ 3 đến 6 tháng ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hồ Manchar, hồ nước ngọt lớn nhất của nước này đã bị tràn từ đầu tháng 9, trong đó nước lũ ảnh hưởng đến hàng trăm ngôi làng và hơn 100.000 người.
Chính phủ Pakistan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu là nguyên nhân khiến thời tiết khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn, gây ra thảm họa mưa lũ đã nhấn chìm 1/3 nước này. Còn Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nhấn mạnh, người dân Pakistan còn phải đối mặt với thảm họa thiên tai do thời tiết cực đoan lâu dài. 'Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và vật chất để ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Chúng ta phải mạnh mẽ để đứng dậy từ đau thương đổ nát và những mất mát không gì đo đếm được' - ông Sharif nói.
Trong khi đó, các tổ chức khí tượng thế giới lại cảnh báo về một mùa đông sắp tới. Nếu như mùa hè nghiệt ngã bậc nhất sắp qua, mùa thu đã tới thì mùa đông cũng lại đã cận kề. Mùa đông năm nay, châu Âu phải đối diện với việc thiếu hụt khí đốt, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi đó, những dự báo cho rằng châu Á cũng sẽ sớm đón những đợt nhiệt độ xuống thấp, kéo dài mang tính kỷ lục.
Michael Lin, nghiên cứu viên thời tiết tại Đại Học Cambridge cho rằng, với những dữ kiện khoa học thu nhận được, cộng với những gì đã diễn ra thời gian qua cho thấy mùa đông này cả châu Âu và châu Á sẽ có thể phải chịu những đợt giá lạnh bất thường, do hình thái thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn.
'Rất có thể từ đầu tháng 10 tới khu vực Bắc Á và Trung Âu sẽ bước vào những ngày đông giá cho dù mùa thu chưa qua. Chiến sự tại Ukraine, giá dầu thô tăng, thiếu khí đốt và nạn lạm phát khiến nhiều người quên mất rằng chúng ta đã và đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt. Cuộc chiến đấu chống lại sự ấm lên của trái đất đã không được nhiều chính phủ quan tâm đúng mức. Nhân loại đã chậm chân trong cuộc chiến đấu đó. Hôm nay chúng ta đã phải chịu đựng hậu quả của biến đổi khí hậu, và tôi cho rằng chúng ta sẽ bàn giao lại 'di sản buồn' cho các thế hệ con cháu chúng ta một trái đất đã bị thương' - Michael Lin nói.