Ảnh minh họa
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 25/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 213.880.238 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.463.268 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 590.772 và 9.780 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 191.415.494 người, 17.928.935 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 109.936 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 100.969 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (51.016 ca) và Iran (40.623 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.038 người chết, tiếp theo là Mỹ (930 ca) và Brazil (794 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 38.915.565 người, trong đó có 647.926 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.511.370 ca nhiễm, bao gồm 435.788 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.614.866 ca bệnh và 575.742 ca tử vong.
Số ca nhập viện và tử vong tại Mỹ tăng mạnh
Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 23/8 cho biết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19 đang tiếp tục tăng do sự lây lan của biến thể Delta.
Theo báo cáo hằng tuần mới nhất của CDC Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày trung bình trong 7 ngày qua (133.056 ca) đã tăng 14% so với mức trung bình của tuần trước đó (116.740 ca). Tương tự, số ca mới phải nhập viện trong tuần từ 11-17/8 là 11.521 ca, tăng 14,2% so với tuần trước đó (10.088 ca). Các bang Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi, Oregon và Washington có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất.
Trong khi đó, số ca tử vong mới trung bình trong tuần qua (641 ca) đã tăng 10,8% so với tuần trước đó (578 ca). Tính trên cả nước, tổng số ca nhiễm biến thể Delta ước tính tăng 98,8%.
Tính đến ngày 22/8, đã có 51,5% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine.
Ấn Độ dự báo về làn sóng thứ ba
Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Đồng thời, trong làn sóng thứ ba này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng đầu tiên.
Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal dự đoán, cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện. Trong trường hợp đó, Ấn Độ có thể thấy các trường hợp nhiễm COVID-19 hằng ngày lên đến 150.000 ca nhiễm mới và cao điểm là vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai, nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.
Nhóm nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho rằng, các dự đoán dựa trên các giả định. Làn sóng COVID-19 thứ hai, chủ yếu là do biến thể Delta, quét qua đất nước từ tháng 3 đến tháng 5/2021, lây nhiễm cho hàng nghìn người và giết chết hàng nghìn người khác. Riêng ngày 7/5, cả nước ghi nhận 414.188 trường hợp mắc COVID-19.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tiêm chủng vaccine là vũ khí mạnh nhất trên toàn thế giới để chống lại dịch COVID-19 và hơn 580 triệu người đã được tiêm chủng tại Ấn Độ cho đến thời điểm hiện nay.
Biến thể Delta khiến hệ thống y tế tại Pháp trở nên quá tải
Tại Pháp, các quan chức y tế ngày 23/8 cho biết số người phải nhập viện vì COVID-19 và phải điều trị tích cực đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua (Số người phải nhập viện là 356 ca trong 24 giờ, lên mức 11.007 ca, vượt ngưỡng 11.000 ca kể từ ngày 17/7. Bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 87 ca, lên mức 2.215 ca, con số cao nhất kể từ ngày 10/6). Biến thể Delta đang khiến hệ thống y tế trở nên quá tải.
Sau khi ghi nhận 5.166 ca nhiễm mới hôm 23/8 (giảm 11,4% so với cách đó 1 tuần), trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại Pháp tăng mạnh lên 24.853 ca. Số ca tử vong mới là 153 ca. Với tổng số ca nhiễm hơn 6,6 triệu ca, Pháp đang đứng thứ 5 thế giới về mức độ ảnh hưởng của dịch.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran dự báo làn sóng lây nhiễm thứ tư có thể lên tới đỉnh điểm trong vài ngày tới, đồng thời bày tỏ lo ngại các tác động khi học sinh trở lại trường.
Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ tháng 3
Tại Anh, Cơ quan Y tế Công cộng England cho biết trong vòng 7 ngày qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. Dù số ca tử vong hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của mùa Đông năm ngoái (khi có tới 1.248 ca được ghi nhận trong ngày 23/1), các nhà khoa học cho rằng đây là mức tăng đáng chú ý kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các nhà khoa học cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng khi hàng triệu học sinh và sinh viên trên khắp nước Anh tựu trường vào tuần tới.
Số liệu của cơ quan trên ngày 23/8 cũng cho biết số ca mắc mới (31.914 ca) cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7. Số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tăng 13% so với tuần trước. Số ca nhập viện tăng từ 672 ca vào ngày 31/7 lên 948 ca vào ngày 17/8.
Tại Scotland, nơi hầu hết học sinh trở lại trường vào tuần trước, số ca mắc đã tăng mạnh, từ 799 ca vào ngày 2/8 lên 3.190 ca vào ngày 22/8. Giáo sư Ravi Gupta của Đại học Cambridge, thành viên Nhóm tư vấn của chính phủ về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và mới nổi (Nervtag), dự báo khi các trường học hoạt động trở lại, Anh có thể trải qua một giai đoạn kéo dài trong đó các ca nhập viện do COVID-19 đứng ở mức cao.
Về phần mình, Giáo sư Rowland Kao từ Đại học Edinburgh, thành viên của Nhóm nghiên cứu khoa học về mô hình đại dịch cúm (Spi-M), cũng cho rằng gần đây các ca nhập viện do COVID-19 ở Anh có xu hướng gia tăng. Các nhà khoa học cũng cảnh báo khả năng gia tăng số ca mắc COVID-19 cùng với các virus cúm khác vào mùa Thu và mùa Đông năm nay có thể đòi hỏi Anh áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang.
Tốc độ lây lan của biến thể Delta cao gấp 2 lần phiên bản gốc
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24/8 cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù vậy, theo KDCA, tải lượng virus giảm dần theo thời gian, theo đó sau 4 ngày kể từ ngày nhiễm sẽ giảm xuống mức cao gấp 30 lần virus gốc và sau 9 ngày xuống mức cao gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, sau 10 ngày, tải lượng virus ở người nhiễm biến thể Delta và người nhiễm các biến thể khác là tương đương. Để đưa ra kết luận trên, KDCA đã tiến hành so sánh tải lượng virus của 1.848 bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và 22.106 bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Ông Lee Sang-won, người đứng đầu bộ phận Điều tra và Phân tích dịch tễ học của Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không có nghĩa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 300 lần so với các biến thể khác. Theo ông, tốc độ lây lan của biến thể Delta chỉ cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc virus SARS-CoV-2.