Công tác cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông sâu 35m vẫn chưa thể hoàn thành dù đã thực hiện, thay đổi nhiều phương án cứu hộ.
Theo SKĐS, thông tin mới nhất về diễn biến vụ giải cứu bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp ngày 6/1, công việc cứu hộ vẫn chưa thể kết thúc, khi chưa đưa được thi thể nạn nhân lên để lo hậu sự.
Chiều 6/1, công tác cứu hộ bé Hạo Nam chưa có nhiều tiến triển khi các lực lượng tại hiện trường vẫn đang phải chờ đợi có đủ thiết bị, máy móc cần thiết để thực hiện những công việc tiếp theo.
Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực thay đổi các phương án để có thể sớm đưa được trụ bê tông có thi thể bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp bên trong lên khỏi mặt đất.
Sáng 6/1, thông tin với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng chức năng đã tính đến phương án cuối cùng để cứu hộ, giải cứu bé Hạo Nam là mở rộng miệng hố hàng chục mét để nhổ trụ bê tông lên. Việc này có thể sẽ phải lấp dòng kênh bên cạnh do phương án này đòi hỏi phải có mặt bằng rất lớn, ước tính khoảng 60 m.
'Dù có khó khăn, tốn kém cỡ nào, chúng tôi cũng sẽ làm tới cùng chứ không phải khó khăn rồi bỏ cuộc', ông Bửu nhấn mạnh.
Trước đó, chiều muộn ngày 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, hôm nay và nhiều ngày qua, Đồng Tháp đã nhận được nhiều góp ý trong công tác cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam rơi xuống trụ bê tông ở công trình cầu Rọc Sen.
Đặc biệt, chiều cùng ngày, đoàn chuyên gia Nhật Bản gồm 8 người đã trực tiếp đến hiện trường nơi Hạo Nam gặp nạn và có đưa ra biện pháp để đưa cọc bê tông và thi thể em lên mặt đất.
Tuy nhiên, biện pháp để cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam của đoàn chuyên gia Nhật Bản cần một số thiết bị đặc biệt, phương tiện chưa tập hợp đủ nên tỉnh Đồng Tháp cần thời gian để huy động. Vì lý do này, biện pháp của các chuyên gia Nhật Bản chưa được thực hiện.
“Các lực lượng vẫn đang có mặt tại hiện trường nhưng đến thời điểm này, việc cứu hộ bé Hạo Nam chưa thể hoàn tất vì liên quan đến khó khăn kỹ thuật; các phương án đưa ra đang bị trở ngại”, ông Bửu thông tin thêm.
Hiện tại, các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các lực lượng quân đội, công an và hàng trăm người tham gia cứu hộ vẫn đang triển khai các giải pháp để cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp, cụ thể là đưa trụ bê tông có thi thể nạn nhân lên mặt đất.
Những nhân chứng đầu tiên tham gia cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp nói gì?
Theo Dân trí, chiều 6/1, những nhân chứng đầu tiên tham gia ứng cứu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị rơi xuống hố ở Đồng Tháp, đã kể lại khoảnh khắc ban đầu.
Anh Đoàn Tuấn Em (33 tuổi), công nhân trong đội đóng cọc trụ bê tông hai bên mố cầu Rọc Sen là người tiếp nhận thông tin cứu cháu Hạo Nam từ nhóm trẻ chạy vào kêu cứu. 'Lúc tôi chuẩn bị về ăn cơm thì có một bé gái chạy vào kêu 'chú ơi có bé lọt hố rồi'. Tôi và mấy anh em chạy đến chỗ cọc bê tông theo chỉ dẫn nhóm bạn Hạo Nam', anh Tuấn Em thuật lại.
Anh Đoàn Tuấn Em (trái), anh Hoan Văn Việt (giữa) và anh Tâm (Ảnh: Nguyễn Hành).
Lúc này, anh Tuấn Em hỏi 'cháu ở đâu?', thì Nam trả lời 'cháu ở dưới hố, cứu cháu với, lôi cháu lên với'. Khi nghe tiếng gọi cứu của Hạo Nam, anh Tuấn Em bàng hoàng, lúng túng và chỉ kịp nói 'chờ chú'.
Sau đó anh chạy vào lấy dây và kêu cứu công nhân cùng hỗ trợ đưa cháu Nam lên. Khi lấy dây xong, công nhân làm chung tên Trí là người trực tiếp thả dây xuống cho Nam bám víu. Cháu Nam bám vào dây một lần, sau đó tuột xuống dưới - nhân chứng nhớ lại.
Theo lời của anh Tuấn Em, lúc anh thả dây xuống hố thì bé trai còn gọi. Khi anh Trí thả dây cứu Hạo Nam, thì Tuấn Em chạy đi báo trạm y tế xã và mang bình oxy về. Anh Hoan Anh Việt - công nhân công trình, đồng thời chạy đến báo Công an xã Phú Lợi tới ứng cứu.
'Tôi không có nghiệp vụ về cứu hộ, không đủ bình tĩnh để ứng cứu. Lần đầu thấy trường hợp bị lọt như vậy', anh Tuấn Em nhớ lại phút ở hiện trường. Theo công nhân này, công trình có tổng cộng 18 trụ đã được đóng xuống đất, trụ nào cũng được lấp đất lên miệng cọc. Tuy nhiên, do mấy hôm trời mưa, đất bị sạt xuống hố khiến miệng cọc lộ thiên.
Riêng anh Võ Thanh Tâm (ngụ ấp 2, xã Phú Lợi) đi cắt cỏ về, nghe tiếng hô cứu của người dân, đã đến xem và tham gia thả dây oxy. Lúc này anh không được tiếp cận gần, vì lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường.
Hiện trường vụ giải cứu (Ảnh: Hải Long).
Theo lời Đại úy Nguyễn Phương Hồng và công an viên Đặng Văn Giang (Công an xã Phú Lợi), khi nhận thông tin từ anh VIệt về việc một bé trai lọt trụ bê tông công trình cầu Rọc Sen, 5 phút sau anh Hồng và anh Giang có mặt tại hiện trường.
Tuy nhiên, lúc này không còn nghe tiếng bé, mọi người chỉ gắng thả dây oxy. Hơn 30 phút sau, lực lượng cứu hộ đến hiện trường, tiếp tục duy trì thả dây oxy, thả dây cứu hộ nhưng không nhận được tín hiệu từ nạn nhân.
Đại úy Nguyễn Phương Hồng kể, lúc đó cha Hạo Nam là anh Thái Văn Tấn Tài có bảo: 'Cu ơi cu, ba cùng mấy chú đến cứu con đây'. Tuy nhiên, theo lời anh Tài, khoảng 10 phút sau không nghe tiếng kêu cứu của Hạo Nam nữa.
Trước đó, như đã thông tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Không may, bé Nam rơi lọt xuống trụ bê tông rỗng ruột bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Theo cơ quan chức năng, việc giải cứu bé trai Hạo Nam 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông gặp khó khăn do miệng trụ bê tông quá nhỏ, chỉ 25cm, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để leo xuống, đồng thời việc mở rộng hố mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho việc giải cứu nạn nhân.
Tối 4/1, sau hơn 4 ngày thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, lực lượng chức năng xác định nạn nhân là bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.