Bén duyên sớm với Điền kinh…
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em tại thôn Nhuần, xã Mỹ Hà huyện Lạng Giang, Bắc Giang, ngay từ bé, Nguyễn Thị Oanh đã phải làm quen với công việc nhà nông để phụ giúp bố mẹ, trang trải kinh tế. Nhưng cũng chính nhờ vậy, cô gái sinh năm 1995 đã có được tính tự lập từ sớm cùng sức khỏe và sức bền đáng nể so với các bạn cùng trang lứa.
Cô bé hạt tiêu thuở nào đã gắn bó và yêu thích Điền kinh
Vào thời điểm đấy, Nguyễn Thị Oanh đã bộc lộ đam mê với những tiết thể dục khi còn đang đi học. Và cái duyên với Điền kinh đã đến cô gái sinh năm 1995 từ khá sớm. Ngay từ những năm lớp 4, Oanh đã theo chị gái chạy bộ mỗi sáng để rèn luyện sức khỏe. Tài năng của cô bé hạt tiêu được phát hiện vào những năm học THCS và được khuyến khích tham gia các giải việt dã của huyện.
'Tôi đã được chọn khi đăng ký thi tuyển trường năng khiếu và hơn 1 năm sau đó thì được gọi lên ĐTQG, tập luyện và thi đấu đến tận bây giờ'- Nguyễn Thị Oanh kể lại.
… Nỗi buồn từ căn bệnh viêm cầu thận
Sau 4 năm gắn bó với Điền kinh, từ 2010, thì Nguyễn Thị Oanh phát hiện mình bị viêm cầu thận vào cuối năm 2014. Căn bệnh này khiến cơ thể Oanh suy yếu, thể lực giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, cô không được vận động và phải dừng tập luyện, thi đấu một cách tuyệt đối. Cô bé hạt tiêu nhanh chóng rơi vào tình trạng suy sụp, buồn chán và đã nghĩ tới việc từ bỏ đam mê để tìm cho mình một hướng đi mới.
Tuy nhiên, Điền kinh Việt Nam đã không mất đi một nhân tài theo cái cách đáng tiếc như vậy. Cùng sự động viên của thầy cô, gia đình, Nguyễn Thị Oanh đã tiếp tục đứng dậy chiến đấu với bệnh tật để bước tiếp con đường đã chọn.
Nguyễn Thị Oanh đã từng có thời gian rất khó khăn khi gặp phải căn bệnh viêm cầu thận
'Khi đó, tôi đã rất chán nản và đã từng nghĩ rằng, mình sẽ không thể theo nghiệp được nữa với tình trạng bệnh như thế này. Trong khoảng thời gian tôi nằm viện cũng là dịp Tết, bố mẹ phải tạm dừng công việc để vào thăm nuôi. Cảm giác năm viện dịp Tết có mỗi hai mẹ con buồn vô cùng. Lúc đó, sợ bố mẹ buồn vì tình trạng của mình nên tôi chỉ tâm sự chút thôi thì hai mẹ con ôm nhau khóc' – Nguyễn Thị Oanh bồi hồi kể lại.
Sau khi từ viện trở về, niềm đam mê với Điền kinh một lần nữa lại sống dậy trong cơ thể cô bé hạt tiêu khi ngày ngày chứng kiến đồng đội tập luyện. Ngay sau khi được các bác sĩ cho phép, Nguyễn Thị Oanh đã nhanh chóng lao vào tập luyện. Thế nhung, cơ thể sau một thời gian nằm viện, không tập luyện đã không còn được như xưa. Chính Oanh cũng không thể ngờ là sức khỏe của mình lại suy giảm nhanh đến như vậy. Chỉ sau 2 vòng chạy, cô gái sinh năm 1995 đã phải thở dốc và ngừng tập. Giọt nước mắt lại rơi trên khuôn mặt nhỏ nhắn.
Sự trở lại của nhà vô địch
Không từ bỏ niềm đam mê của mình, Oanh xin giáo án tập luyện của hai người thầy Đào Xuân Hùng (Bắc Giang) và thầy Trần Văn Sỹ (đội tuyển điền kinh quốc gia) để tập luyện thêm. Đến tháng 7/2015, Nguyễn Thị Oanh chính thức được trở lại ĐTQG và bắt đầu chinh phục, phá vỡ giới hạn của bản thân.
Cô gái sinh năm 1995 đã chinh phục liên tiếp các tấm HCV tại SEA Games 30
'Vào thời điểm đó, tôi vẫn tham gia những giải phong trào, cự ly 10km và 21km để không bị ảnh hưởng đến các giải đấu lớn. Những giải thi đấu phong trào vừa giúp tôi tích lũy được nền tảng thể lực, đồng thời truyền cảm hứng, gần gũi hơn với mọi người. Thực ra, khi thi đấu, chiều dài đường đua dài nhất của tôi là 5km nhưng tôi muốn tham gia các giải chạy ngoài đường để nâng cao thể lực của mình' – Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Quá trình cần mẫn học hỏi, rèn luyện thể lực, vượt qua khó khăn của Oanh đã được đền đáp xứng đáng. Ở SEA Games 30, Nguyễn Thị Oanh đăng ký tranh tài ở 3 nội dung là 1.500m, 5.000m và 3.000m chạy vượt chướng ngại vật. Cô gái sinh năm 1995 đã xuất sắc cán đích đầu tiên ở nội dung 1.500m với thành tích 4 phút 17 giây 35.
Người hâm mộ càng bất ngờ hơn khi Oanh tiếp tục mang về tấm HCV thứ 2 cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở nội dụng 5.000m với thành tích 16 phút 46 giây 04. Sau phần thi này, Oanh khá kiệt sức nhưng cô vẫn bị Ban tổ chức SEA Games tiến hành thử doping.
Không được bổ sung năng lượng, không được nghỉ ngơi sau khi thi đấu, Nguyễn Thị Oanh phải bước vào phần thi 3.000m vượt chướng ngại vật ngay trong buổi chiều cùng ngày.
'Sau khi thi 5.000m, tôi bị kiểm tra doping lần thứ 2. Phải mất 2 tiếng quá trình kiểm tra mới kết thúc. Lúc thi xong, cơ thể mình không đến mức quá kiệt sức. Nhưng trong quá trình chờ kiểm tra, tôi đã bị hơi choáng vì không được bổ sung năng lượng, trừa lại không được nghỉ ngơi trong khi thần kinh căng thẳng quá. Cơ thể tôi lúc ấy gần như không còn chút sức lực nào, tinh thần uể oải. Tôi đã rất lo khi không biết chiều thi nội dung cuối có vượt qua không' - Nguyễn Thị Oanh nhớ lại.
Bước vào buổi thi đấu, cô gái sinh năm 1995 đã đặt quyết tâm lấy hết sự tỉnh táo để chiến đấu hết sức để không phụ lòng người hâm mộ, không uổng phí công sức tập luyện. Và sau khi nghe tiếng còi, Nguyễn Thị Oanh đã dùng toàn lực, khả năng của mình để thi đấu.
'Lúc đó, tôi không chỉ muốn chiến thắng đối thủ mà còn vượt qua bản thân mình. Khi về đích, tôi đã ngã lăn ra sân vì kiệt sức' - Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Với quyết tâm kể trên, Nguyễn Thị Oanh không chỉ giành được tấm HCV thứ ba ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật mà cô còn phá kỷ lục của đại hội.
Mong ước xây nhà cho bố mẹ
Ở độ tuổi ngoài 60, cô Nguyễn Thị Hường cùng chú Nguyễn Văn Chuyền đã không thể tiếp tục xây dựng nhà cửa. Điều này khiến Nguyễn Thị Oanh càng ý thức được rằng mình sẽ phải giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn. 'Căn nhà chúng tôi sinh sống được xây dựng khá lâu rồi. Tôi muốn làm điều gì đó để báo hiếu bố mẹ, những người đã rất vất vả khi nuôi dưỡng rất đông anh chị em chúng tôi. Dù là phận gái yếu đuối nhưng tôi và bố mẹ vẫn đang bàn bạc để sửa sang xây dựng lại nhà mới. Tôi rất muốn trong năm 2020 sẽ làm được việc này' – Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.