Gặp đối tượng bị thanh tra trước khi thanh tra
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, đồng thời đề nghị truy tố hơn 80 bị can.
Liên quan quá trình thanh tra SCB, theo hồ sơ, từ ngày 4-12-2018 đến 17-10-2022, SCB cho hơn 173.000 khách hàng vay hơn 570.000 khoản, với trên 771.000 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng thuộc nhóm của bà Trương Mỹ Lan phát sinh 883 khoản vay (546 khách hàng), giải ngân hơn 397.000 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 17-10-2022 là hơn 514.000 tỷ đồng.
Với vai trò Trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, bà Đỗ Thị Nhàn đã nhiều lần gặp lãnh đạo SCB, nhận số tiền đặc biệt lớn để bỏ qua các vi phạm của SCB. Tại cơ quan điều tra, bà Nhàn khai nhận, bà là người chỉ đạo chung của đoàn thanh tra và trực tiếp chỉ đạo thanh tra tại hội sở chính của SCB, giám sát các tổ thanh tra tại các chi nhánh khác…
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Bà Nhàn cũng là người trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng (Phó Trưởng đoàn) và tổ tổng hợp (Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa) xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình để trình Chánh Thanh tra, để báo cáo lãnh đạo NHNN và Chính phủ liên quan kết quả thanh tra.
Thanh tra đợt 1, bà Nhàn biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB và các sai phạm của SCB xảy ra tại hầu hết các nội dung thanh tra và kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019, đặc biệt sai phạm trong cấp tín dụng, phân loại nợ xấu, thoái lãi dự thu tại các dự án, phương án tái cơ cấu và sai phạm của 20/71 khách hàng có cùng địa chỉ ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Quá trình thanh tra, bà Nhàn đã nhiều lần báo cáo ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra) để trình lãnh đạo NHNN về việc phê duyệt cho phép SCB được giữ nguyên nợ nhóm 1 (không phải phân loại nợ xấu), giữ nguyên lãi dự thu tại các dự án, phương án tái cơ cấu, nhưng ông Nguyễn Văn Hưng không ký các báo cáo này lên lãnh đạo NHNN.
Cuối tháng 10-2017, theo đề nghị của Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, bà Nhàn trực tiếp gặp riêng bà Trương Mỹ Lan tại TPHCM. Tại buổi gặp, bà Nhàn nêu thực trạng SCB sai phạm trong hồ sơ tín dụng đối với các dự án, phương án tái cơ cấu qua thanh tra là rất nghiêm trọng, đề nghị bà Trương Mỹ Lan phải bán bớt tài sản để khắc phục, tất toán, thu hồi nợ tại các khoản vay sai phạm lớn.
Theo lời khai của bà Nhàn, sau khi kết thúc thanh tra SCB, được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Hưng, bà trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu hơn 37.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.000 tỷ đồng và thoái dự thu hơn 3.000 tỷ đồng đối với 3 dự án, qua đó, làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính quan trọng của SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số an toàn...) theo hướng có lợi cho SCB; sau đó, đưa các số liệu chỉnh sửa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan điều tra cũng cáo buộc, trước khi thực hiện thanh tra SCB đợt 2, bà Nhàn đã gặp bà Trương Mỹ Lan tại một khách sạn ở Hà Nội để trao đổi việc tiếp tục thanh tra đợt 2 đối với sai phạm của nhóm 71 khách hàng. Tại đây, bà Nhàn đề nghị bà Lan bán tài sản để tất toán ngay dư nợ thì sẽ không bị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Bà Lan tiếp tục nhờ bà Nhàn giúp đỡ và sớm ban hành kết luận thanh tra. Bà Lan có ý đưa tiền nhưng bà Nhàn chưa nhận.
Quá trình thanh tra, bà Nhàn phát hiện các khoản vay của 71 khách hàng có dư nợ hơn 11.000 tỷ đồng (tại thời điểm 31-3-2018); đối với các khoản vay phát sinh trước ngày 30-6-2017 còn dư nợ không nhiều, nên thanh tra các khoản vay sau ngày 30-6-2017 sẽ rất phức tạp vì phải làm rõ mục đích sử dụng tiền vay, sẽ không tất toán kịp trong thời hạn thanh tra đợt 2 là 15 ngày.
Do đó, bà Nhàn báo cáo ông Nguyễn Văn Hưng về việc phải chỉnh sửa kế hoạch, trong đó có nội dung thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với nhóm 71 khách hàng từ việc xác định thanh tra dư nợ “khách hàng đã tất toán tại thời điểm thanh tra” sửa thành thanh tra “khách hàng có dư nợ tại thời điểm ngày 30-6-2017' và đã tất toán không còn dư nợ tại thời điểm 31-3-2018, hoặc tất toán trong thời gian thanh tra, mục đích để SCB xử lý các khoản vay trước 30-6-2017 hết dư nợ và không phải thanh tra, kiểm tra mục đích sử dụng tiền, nguồn tiền trả nợ. Các khoản vay đã tất toán thì không có thiệt hại và không phải chuyển cơ quan điều tra.
Bị can Trương Mỹ Lan
Việc này, ông Hưng đồng ý và bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới dự thảo lại kế hoạch điều chỉnh, thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra và tổ chức đoàn họp tại SCB để thảo luận, thống nhất và cùng ký biên bản. Quá trình thanh tra sau đó, SCB đã báo cáo toàn bộ các khoản vay của 71 khách hàng phát sinh dư nợ trước 30-6-2017 là 88.150 tỷ đồng đã tất toán, không còn dư nợ tại 20-4-2018.
Bà Nhàn thừa nhận, việc thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra để SCB và khách hàng tất toán đối với khoản vay phát sinh trước 30-6-2017 và đoàn thanh tra không tiến hành thanh tra nguồn tiền trả nợ, nên không phát hiện các sai phạm của SCB trong việc cho vay mới để trả nợ cũ và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra.
Toàn bộ việc chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung, báo cáo không trung thực, không đầy đủ so với kết quả thanh tra tại các báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo lãnh đạo NHNN và Chính phủ, bà Nhàn khai do ông Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo, nên sau đó đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện.
Mang hàng triệu USD gửi nhà người thân
Bà Nhàn khai nhận, trong thời gian thanh tra tại SCB, đã nhiều lần nhận tiền từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT); Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của Võ Tấn Hoàng Văn), tổng 5,2 triệu USD.
Theo đó, cuối tháng 3-2018, Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn đưa cho bà một túi cherry và một túi đựng 200.000 USD; bà Nhàn đã mang 200.000 USD về nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cất.
Lần nữa, từ tháng 10 đến 12-2018 (giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan), Võ Tấn Hoàng Văn và Nguyễn Nam Tuấn đã mang các thùng xốp đựng tiền mệnh giá USD (1 lần nhận thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần nhận thùng xốp đựng 2 triệu USD) đến nhà riêng của bà Nhàn. Được bà hỏi đó là tiền gì, ông Văn nói tiền của bà Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã giúp và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra.
Sau đó, bà Nhàn lấy tiền cho vào thùng khác, cất giấu ở phòng ngủ riêng, chưa sử dụng. Đến khoảng tháng 12-2022, từ số tiền này, bà Nhàn mang 2,6 triệu USD gửi nhờ nhà họ hàng bên phía chồng ở TP Nam Định. Số tiền còn lại, bà cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cất và bà cầm chìa khóa.
Tại cơ quan điều tra, bà Nhàn khẳng định, những người được nhờ gửi tiền hoàn toàn không biết về nguồn gốc số tiền, do họ không hỏi và bà cũng không nói gì.