Trưa ngày 3/9, tìm về cụm 5, thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Phạm Xuân Bảy (57 tuổi) bao trùm không khí tang thương khi gia đình ông vừa mất đi người con dâu trong vụ thảm sát kinh hoàng vào sáng 1/9, những ngày này ngôi nhà ông Bảy thi thoảng lại có bà hàng xóm lui tới.
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ.
Cách đây 2 ngày chị Nguyễn Thị Bắc (28 tuổi) mẹ của bé Phạm Hoàng Khánh Đ. (45 ngày tuổi) cùng bố mẹ ruột và người cháu mãi mãi ra đi dưới những nhát dao liên tiếp của Nguyễn Văn Đông.
Hôm nay khi chúng tôi ghé thăm ngôi nhà ông Bảy cũng là lúc gia đình ông nhờ thầy cúng đến làm lễ 3 ngày cho chị Bắc. Ngoài sân tiếng thầy cúng niệm Phật, trong căn phòng nhỏ bé dưới nhà tiếng bé gái thi thoảng cất lên khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Anh Tuyến lặng người trước sự ra đi của vợ.
Ngồi trước di ảnh và ngắm nhìn vợ, anh Phạm Văn Tuyến (30 tuổi, chồng chị Bắc) chỉ biết chắp tay rồi gục đầu lặng lẽ. Anh không ngờ rằng anh mãi mãi mất vợ chỉ sau vài giờ những dòng tin nhắn trong cuộc nói chuyện của hai vợ chồng vào lúc nửa đêm được gửi đi.
'Tối hôm trước khi xảy ra chuyện, hai vợ chồng con nói chuyện với nhau, vợ bảo sáng mai tôi không phải đón ai ngờ lúc tôi gặp vợ thì vợ đã xa hai bố con mãi mãi', anh Tuyến nghẹn ngào.
Anh Tuyến không tin mất vợ chỉ sau một ngày xa cách.
Ngồi bệt dưới hiên nhà ông Bảy vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của con dâu, cả ông và con trai mình không thể ngờ ngần ấy tuổi đầu ông phải chứng kiến thảm cảnh như vậy.
'Sáng 31/8, con dâu tôi xuống thăm ông ngoại thì sáng hôm sau gặp nạn. Hôm đó, mẹ cháu cho con bú rồi cho cháu ngủ, may mà kê chăn cho cháu nằm nên có thể lúc hung thủ vào không phát hiện ra cháu.
Ở nhà lúc đó có tôi và đứa cháu trai, hai ông cháu đang xem ti vi, bố nó đang chuẩn bị quần áo để đi làm thì nghe thấy bà con ở làng bế cháu chạy được rồi mang lên cho tôi.
Xuống nơi mẹ cháu bị sát hại, vừa nhìn thấy con dâu, tôi với chồng nó khóc ngất, không dám nhìn, chân tay rụng rời', ông Bảy bàng hoàng kể lại.
Ông Bảy thất thần kể lại sự việc.
Từ ngày mẹ bé Đ. gặp nạn đến nay, hai vợ chồng ông Bảy vừa lo làm lễ cúng bái cho con, vừa ngày đêm trông cháu, ông không cầm được nước mắt khi mở cửa vào phòng nhìn thấy đứa cháu gái chưa đầy hai tháng tuổi nằm một mình mà không có mẹ.
'Về nhà giờ vào phòng nhìn cháu nằm 1 mình hai vợ chồng tôi không cầm được nước mắt. Hôm đưa tang mẹ nó, khi cho cháu ra tiễn mẹ lần cuối mọi người không khỏi xót xa.
Bé Điệp 45 ngày tuổi đã không có mẹ.
Bây giờ tôi cũng 60 tuổi đầu nên sức khỏe cũng yếu đi nhiều, ai nhờ vả gì thì làm nấy, phụ bố nó chăm lo cho hai cháu, chủ yếu hai vợ chồng tập trung trông cháu cho bố nó đi làm kiếm sữa cho con. Giờ không có cũng phải vay mượn để nuôi hai cháu trưởng thành, tôi làm được việc gì thì đỡ đần cho bố cháu', ông Bảy nói.
Đang ẵm cháu gái chưa đầy hai tháng tuổi ở dưới nhà, bà Hiên cho biết, sáng ngày 1/9 gia đình bà đang ở nhà thì một số người dân vội chạy sang gọi lớn. Cùng với đó mọi người trao bé Đ. trên tay cùng lời nhắn sang nhà ông Nguyễn Văn Hải (tức bố chị Bắc) gấp vì xảy ra án mạng.
Bà Hiên giờ phải thay chị bắc ngày đêm chăm lo cho bé.
'Nghe tin gia đình tôi vô cùng bất ngờ không biết chuyện gì xảy ra, tôi đỡ cháu vào lòng bế vào nhà, trên vạt áo cháu vẫn còn dính vết máu. Chồng và con trai tôi vội chạy sang, ban đầu cứ nghĩ xô xát gì đó bình thường nhưng mọi người sang tới nơi thì mới biết xảy ra án mạng đau lòng đến như vậy.
Hai ngày nay cháu thiếu sữa và hơi ấm của mẹ nên đêm khóc suốt. Tôi là bà nhưng cũng chỉ ôm vỗ về cháu. Khổ thân con bé còn nhỏ quá mà đã phải chịu cảnh mất mẹ', bà Hiên xót xa.
Bà không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bé Đ. nằm một mình.
Vừa ôm bé Đ. trong lòng, thi thoảng nhìn cháu bà Hiên lại rơi nước mắt. 'Mẹ cháu bảo để đợi cháu đủ 2 tháng rồi mang con đi cân vậy mà...
Mẹ cháu mất là ngày đêm tôi ở dưới này, thôi thì giờ cháu là món quà mẹ nó để lại thì phải cố gắng nuôi cháu, cố gắng vượt qua. Sáng hôm đấy đang ở nhà thì người dân chạy sang gọi bảo sang đón cháu về, mẹ nó chết rồi, nghe xong tôi chết lặng', bà Hiên chia sẻ.
Nhiều người ở xa đến cho bé Đ. chút sữa mẹ.
Theo bà Hiên, chị Bắc làm nghề trang điểm rồi trọ tại trung tâm Hà Nội. Cách đây gần 1 năm kết duyên cùng con trai bà là anh Phạm Văn Tuyến rồi có bé Đ. Sinh con xong chị Bắc dự định để con cứng cáp rồi tiếp tục đi làm trang trải cuộc sống gia đình, cùng chồng nuôi dậy hai con.
'Kể từ khi về làm dâu tôi chưa chê trách con điều gì. Bắc là người con dâu ngoan ngoãn, xinh đẹp. Hôm trước khi xảy ra sự việc Bắc xin phép vợ chồng tôi đưa con sang nhà bố mẹ đẻ để chuẩn bị hôm sau ông bà thông gia động thổ xây nhà, và thăm ông ngoại bị đau tay. Ai ngờ vừa sang ngoại được một hôm thì hai mẹ con cháu xảy ra chuyện.
Cũng may lúc đó cháu tôi vừa uống sữa mẹ no rồi ngủ ngoan trên giường nên không bị phát hiện ra. Nếu hôm đó Bắc cũng bế con trên tay chắc cháu tôi cũng không qua khỏi. Giờ xảy ra cơ sự đau lòng này chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào', bà Hiên tâm sự.
Chị Liên ở xa nghe tin bé Đ. thiếu sữa mẹ đã lặn lội đi xin sữa giúp gia đình.
Khi nghe tin cháu Phạm Hoàng Khánh Đ. thiếu sữa mẹ, chị Liên (29 tuổi) và chị Linh (29 tuổi, cùng trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã mang sữa gom được từ Hà Đông mang về tận nơi cho bé Đ.
'Khi biết tin, chúng tôi lập tức vận động những mẹ mới sinh con để xin sữa mang về cho cháu. Dự định chúng tôi sẽ hỗ trợ sữa mẹ cho cháu đến khi được 6 tháng tuổi.
Sữa mẹ được hai chị xin về gửi lại cho gia đình bé Đ.
Vì bé còn nhỏ nên chúng tôi cố gắng đi xin sữa những bà mẹ có con cùng tuổi với bé Đ. để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe. Vì những bà mẹ có con nhiều tháng thì sẽ không kiêng việc ăn uống nếu cho bé dùng sữa đó thì sợ bé bị ảnh hưởng đến bụng dạ.
Biết rằng không gì bằng bú sữa mẹ trực tiếp, nhưng trong hoàn cảnh này, khi được cả cộng đồng giúp đỡ đó sẽ là món quà vô giá với cháu Đ. và gia đình' chị Liên chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc xã Hồng Hà cho biết, gia đình cháu bé hiện đang rất khó khăn. Trong chiều nay, sau khi họp, các ban ngành đoàn thể xã sẽ kêu gọi sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để cháu Đ. có cuộc sống tốt hơn.