Xét xử kịp thời các vụ việc vi pham liên quan đến dịch bệnh Covid - 19
Đại dịch Covid 19 xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh không chỉ làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp phá sản, nhiều lao động mất việc làm.
Trong khi đa số người dân đang cố gắng nâng cao tinh thần tự giác chấp hành chấp hành quy định của pháp luật, khuyến cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vẫn còn một số người 'vô trách nhiệm' thiếu ý thức, trốn cánh ly y tế, khai báo y tế gian dối, nhập cảnh trái phép, chống người thi hành công vụ gây nhiều khó khăn trong việc truy vết, điều tra dịch tễ, kiểm soát dịch bệnh.
Các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương đều được các cấp tòa án nhanh chóng xét xử, kịp thời và được báo chí đưa tin rộng rãi. Điều này không chỉ góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nâng cao nhận thức xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn là lời cảnh tỉnh cho mỗi người cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bị cáo Đào Xuân Anh Doanh bị tuyên phạt 9 tháng tù giam do vi phạm liên quan đến vi phạm phòng chống dịch.
Điển hình là trường hợp chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên xã Đông Hải – Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là vụ án đầu tiên liên quan đến vi phạm chống dịch được TAND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) xét xử lưu động và truyền hình trực tuyến đến 13 điểm cầu tại các xã, thị trấn của huyện Tiên Yên vào ngày 10/4/2020, chỉ sau 6 ngày có quyết định khởi tố.
Theo cáo trạng, chiều 4/4, Nguyễn Văn Năm (SN 1992, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) đi xe máy chở Đào Xuân Anh Doanh, (SN 1990, trú tại, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên). Cả hai đều không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang.
Khi gặp tổ công tác phòng, chống dịch Covid -19 số 07 đang làm nhiệm vụ kiểm soát đã yêu cầu hai đối tượng đo thân nhiệt, khai báo y tế và nhắc nhở Năm, Doanh quay lại đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, Đào Xuân Anh Doanh không chấp hành quy định và có lời lẽ lăng mạ, chửi bới, dùng mũ cối hành hung các thành viên tổ công tác. Sau đó, Công an huyện Tiên Yên đã khởi tố bị can đối với Đào Xuân Anh Doanh về tội 'Chống người thi hành công vụ' theo khoản 1, điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xét thấy hành vi của Đào Xuân Anh Doanh là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19. Sau khi xem xét các yếu tố, TAND huyện Tiên Yên tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh Doanh 9 tháng tù giam.
Một vụ việc khác là trường hợp của Dương Tấn Hậu, nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines làm lây lan Covid-19. Mặc dù đã được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của Vietnam Airlines khu vực phía nam. Thế nhưng, trong thời gian cách ly nam thanh niên tự ý rời khỏi nơi cư trú đi ăn, uống, học tập tại nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh làm lây lan dịch bệnh cho một số người khác.
Phiên tòa xét xử nam nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines
Sau khi VKS truy tố, ngày 30/3, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tấn Hậu, tiếp viên Vietnam Airlines về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Dương Tấn Hậu hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là bốn năm.
Cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn
Trước diễn biến khó lường, ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, các hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh xảy ra ở một số địa phương có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, các chuyên gia pháp lý cho rằng cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn những hành vi thiếu ý thức làm lây lan dịch bệnh.
Luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Do tính cấp thiết của việc xử lý các loại tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid – 19, ngày 30/03/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn cụ thể các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự.
'TANDTC ban hành Công văn để hướng dẫn toàn hệ thống tòa án thực hiện xét xử đối với những hành vi vi phạm quy định phòng dịch mà cấu thành tội phạm là điều cần thiết và kịp thời giúp các Tòa án trên cả nước có thể đưa những vụ án vi phạm quy định có dấu hiệu phạm tội về chống dịch ra xét xử một cách nhanh nhất, thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các vụ án xét xử liên quan đến phòng chống dịch Covid – 19 chủ yếu mang tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật và còn nhẹ. Bởi vậy, cần có biện pháp và mức xử lý cao hơn, nghiêm khắc hơn mới đủ răn đe và giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người trong việc chung tay phòng chống dịch', luật sư Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn xét xử các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, luật sư Nguyễn Đạt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Công văn số 45/TANDTC giúp cho Cơ quan Điều tra, VKS, Tòa án có căn cứ rõ ràng và chính xác hơn khi xử lý các trường hợp phạm tội. Nếu không có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, việc áp dụng và xử lý các hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS 2015 sẽ còn nhiều khó khăn, điều đó dẫn tới việc xử lý không kịp thời, có thể khó hoặc không xử lý được những hành vi đã có dấu hiệu phạm tội.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối cũng cho rằng, những chế tài và hình phạt hiện nay đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch vẫn mang tính chất răn đe, giáo dục nhiều hơn tính chất trừng phạt. Do đó, để đảm bảo công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, cần tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm, đủ sức răn đe, giáo dục ý thức, nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong thời gian vừa qua, Tòa án đã đưa ra xét xử và có những bản án nghiêm khắc đối với nhiều trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Một phần nào đó đã góp phần tác động tích cực tới việc giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội góp phần vào công tác đấu tranh chung với tội phạm và phòng chống dịch bệnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)