Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, chiều 6/7, tòa án quận Chiba (Nhật Bản) đã tuyên án Yasumasa Shibuya (47 tuổi) với khung hình phạt tù vô thời hạn khi bị cáo buộc là người sát hại bé Lê Thị Nhật Linh (9 tuổi) trong lúc nạn nhân đang đến trường học.
Sau phán quyết của phiên tòa, dư luận, giới truyền thông và người dân Nhật Bản cùng gia đình bé Linh không hài lòng khi kẻ thủ ác không nhận mức án tử hình. Yasumasa Shibuya không chỉ giết người mà còn phạm tội ấu dâm.
Anh Hào tại phiên tòa xét xử kẻ sát hại con gái mình. Ảnh: TL
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội vào sáng nay (9/7), chị Nguyễn Thị Nguyên (mẹ bé Linh) cho biết: “Từ khi xảy ra sự việc cho đến lúc này, người dân Nhật Bản luôn quan tâm, ủng hộ với đề nghị của gia đình tôi. Rất nhiều người gọi điện và nhắn tin động viên, họ lên án mạnh mẽ, không hài lòng về kết quả phiên tòa ngày 6/7 và tiếp tục đồng hành, ủng hộ gia đình làm đơn kháng án lên cơ quan chức năng cũng như việc tiếp tục xin chữ ký”.
Theo mẹ bé Nhật Linh, không phải đến phiên tòa vừa rồi, gia đình mới nói lên nguyện vọng của mình là đề nghị tòa xử tội tử hình với người đã gây ra cái chết con gái chị. Việc này được gia đình thực hiện ngay sau khi nghi phạm bị bắt và bị buộc 2 tội danh là giết người, ấu dâm.
Trước một số ý kiến cho rằng, phiên tòa không phán quyết tử hình bị cáo Yasumasa Shibuya là văn minh là tôn trọng nhân quyền, nhân đạo, chị Nguyên bày tỏ: 'Nhân quyền là quyền con người, quyền được ăn, được sống… chứ không có quyền được tự do giết người vô tội, hãm hiếp và đến khi xét xử lại được áp dụng cái gọi là nhân quyền.
Bị cáoYasumasa Shibuya bi tuyên án với khung hình phạt tù vô thời hạn khiến gia đình bé Linh bức xúc. Ảnh: TL
Nếu nói như vậy, thì công bằng nào cho nạn nhân? Công bằng ở đâu? Một khi pháp luật mà không công bằng thì tất nhiên sẽ có đấu tranh và gia đình tôi đang đấu tranh cho cái sự không công bằng ấy. Chúng tôi vẫn đang đấu tranh trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quy định, như vậy là sai ư?
Mọi người có nghĩ rằng, một kẻ không còn tính người, không còn lương tâm con người, không có hành động nhân đạo đối với nạn nhân thì tại sao phải bao dung với họ?
Mọi lỗi lầm đều có thể tha thứ, nhưng tội cố ý giết người, giết người để thoả mãn thú tính và che đậy tội ác cho bản thân thì không thể tha thứ hay nhân đạo được. Trong khi kẻ đó gây nguy hại cho xã hội thì không có quyền được hưởng sự nhân đạo hay nhân quyền'.
Gia đình bé Nhật Linh sẽ kháng cáo và tiếp tục xin chữ ký của mọi người. Ảnh: N.Nguyễn
Lý giải về việc tiếp tục xin chữ ký của gia đình, mẹ bé Nhật Linh cho biết: “Hiện nay, gia đình cùng luật sư đang xúc tiến đơn kháng án và cùng với công tố viên nộp lên toà phúc thẩm. Sau khi toà án tiếp nhận đơn kháng cáo, chúng tôi sẽ tiếp tục soạn mẫu xin chứ ký mới và sẽ xin trong diện rộng hơn. Mẫu chữ ký này có cả mẫu tiếng Anh dành cho người nước ngoài và chữ ký điện tử.
Đối với tội danh như bị cáo Yasumasa Shibuya thì ở Nhật Bản vẫn có án tử hình và các vụ án trước cũng đã có trường hợp tử hình. Cho nên, gia đình chúng tôi hy vọng sẽ có mức án cao nhất dành cho kẻ sát hại con tôi.
Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho dù có 3 năm, 5 năm nữa hay lâu hơn nữa. Nếu bắt cóc, ấu dâm và sát hại trẻ em dã man như thế mà chỉ bị tuyên tù vô thời hạn là không thể chấp nhận được.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đến gia đình bé Nhật Linh cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Đ.Tùy
Bởi lẽ, với mức tù trên, nếu cải tạo tốt sau 10 năm bị cáo có thể được thả tự do. Như thế thì thật bất công và không có sức răn đe cho những loại tội phạm kể trên và tội ác sẽ lại tiếp diễn .
Bây giờ còn nước còn tát, còn kháng án được thì gia đình chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Dù việc xin chữ ký không có tác dụng về mặt pháp lý đi chăng nữa thì cũng có tác dụng nhất định về sự phẫn nộ và chống lại cái ác của toàn xã hội.
Ngoài ra việc xin chữ ký còn cho những kẻ có ý định phạm tội với trẻ em thấy rằng, nếu phạm tội thì sẽ bị chừng ấy con người muốn tử hình chúng, muốn treo cổ chúng và còn rất nhiều ý nghĩa khác …nên đừng ai nói xin chữ ký là vô nghĩa hay vô tác dụng”.
Diễn biến vụ án bé Nhật Linh 9 tuổi bị sát hại ở Nhật:
Nạn nhân là bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, học sinh lớp 3 tiểu học tại thành phố Matsudo, tỉnh Chiba đã bị bắt cóc khi đang trên đường tới trường và sau đó bị giết hại.
Bé Linh mất tích vào sáng 24/3/2017 khi đang đến trường một mình. Đến sáng sớm 26/3, thi thể bé được tìm thấy cạnh bãi cỏ bên con sông tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba, cách nhà bé khoảng 10 km.
Theo kết quả khám nghiệm, cảnh sát ước tính bé Linh có thể bị sát hại vào khoảng từ sáng 24/3 đến đêm 25/3. Họ không loại trừ khả năng em bị giết ngay sau khi bị bắt cóc. Nguyên nhân gây tử vong của bé là bị siết cổ. Nạn nhân có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.
Ngày 4/4/2017, cảnh sát đã bắt nghi phạm Shibuya Yasumasa, 46 tuổi, khi đó là hội trưởng hội phụ huynh trường tiểu học của bé Linh. Vụ án đã được khởi tố.
Kết quả giám định cho thấy ADN của Shibuya trùng khớp với ADN trên thi thể và trên các đồ vật của nạn nhân được tìm thấy tại hiện trường.
Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy nhiều dấu máu trên ghế trong xe của Shibuya. Các dấu máu này có ADN trùng với nạn nhân. Đây được cho là phát hiện quan trọng trong cuộc điều tra nên cảnh sát quyết định kéo dài thời gian giam giữ đối với nghi phạm.
Sau quá trình điều tra, phá án, cảnh sát đã khởi tố nghi phạm với 3 tội danh về các hành vi bắt giữ nạn nhận lên ôtô riêng, thực hiện hành vi dâm ô và giết hại nạn nhân.
Ngày 6/3, Tòa án Nhật Bản đã quyết định mở phiên tòa xét xử nghi phạm Shibuya Yasumasa vào ngày 4/6/2018.
Ngày 18/6, Tòa sơ thẩm TP Chiba - Nhật Bản đã kết thúc phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Yasumasa Shibuya với mức án đề nghị là tử hình.