Ít nhất 32 người ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc đã bị cách ly ngay tại một quán cà phê internet trong 9 ngày, sau khi chính quyền địa phương phát hiện một ca Covid-19 ở khu vực gần đó.
Theo tờ Jimu News, trong số 32 người bị cách ly, cô gái có tên Yu Lili đã ngày đêm chơi game để giết thời gian. Cô này chơi nhiều game tới mức được thăng hạng từ 'kim cương' lên thành 'cao thủ'. Điều đáng nói, cô Yu không phải là một game thủ, mà chỉ đơn thuần vào quán cà phê để sử dụng dịch vụ internet. Không may cô gái buộc phải cách ly tại quán từ ngày 8/4.
Một người bị cách ly tại quán internet xếp ghế thành hàng dài để nằm ngủ. (Ảnh: Jimu News)
Một trường hợp đặc biệt khác trong nhóm 32 người bị 'giam lỏng' có chàng trai Zhang Chi (20 tuổi). Được biết, Zhang chỉ vừa bước vào quán cà phê được khoảng 30 phút thì nhận được tin nơi đây bị phong tỏa ngay lập tức. Zhang tới quán cà phê để gặp 3 người bạn cùng chơi game với mình, và họ chỉ định 'trò chuyện cùng nhau'.
Trước khi được thả ra vào ngày 17/4, nhóm bị cách ly đã mua và ăn hết số thực phẩm có sẵn trong quán cà phê bao gồm mì hộp và quà vặt.
Zhang cho hay một số người trong nhóm đã thử gọi đồ ăn trên ứng dụng để shipper chuyển tới quán internet. Nhưng sau đó, họ nhận thấy các món ăn 'quá đắt đỏ và không phù hợp'.
Đến tối, để có chỗ ngả lưng, một số người đã kéo ghế trong quán lại thành dãy dài để nằm. Nhưng sáng hôm sau, họ đều bị đau lưng, Zhang cho biết thêm.
Do quán internet không có cửa sổ, nên những người bị mắc kẹt bên trong hoàn toàn không biết bên ngoài đang sáng hay tối. Việc duy nhất mà họ có thể làm là cày game để giết thời gian.
Câu chuyện của nhóm 32 người bị cách ly ở quán internet đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo.
Một số người dùng mạng xã hội nhận định, quán cà phê internet chính là một trong những nơi lý tưởng nhất để thực hiện cách ly.
'Cuối cùng cũng có lý do hợp lý để ngày đêm cày game', một người để lại bình luận hài hước.
Người khác cho rằng nhóm 32 người cùng nhau cách ly có thể lập thành một đội thể thao điện tử (e-sport) quốc gia để đi thi đấu.
Chuyện bất ngờ bị phong tỏa không phải là hiếm ở Trung Quốc, giữa lúc chính phủ nước này vẫn thi hành chính sách 'zero Covid-19' tập trung vào phong tỏa diện rộng nhanh chóng, xét nghiệm đại trà, giới hạn hoạt động đi lại khi phát hiện có ca nhiễm Covid-19 tại khu vực.
Điển hình, hồi tháng Một, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã cho phong tỏa toàn bộ một tòa nhà văn phòng sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Các nhân viên y tế sau đó đã chuyển chăn gối tới tòa nhà, và toàn bộ nhân viên được yêu cầu ở qua đêm ngay tại vị trí làm việc.
Hồi tháng Ba, Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ 2 trên thế giới với 128 tầng, cũng bị đưa vào diện phong tỏa khẩn cấp do có ca mắc Covid-19. Toàn bộ những người có mặt trong tòa nhà đã phải ở qua đêm tại chỗ.
Cũng trong tháng Ba, hàng chục người đã phải cách ly qua đêm tại một nhà hàng lẩu ở thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam do có một ca mắc Covid-19. Toàn bộ khách hàng đã được nhà hàng chiêu đãi đồ ăn miễn phí cả đêm.
Theo tờ Orient Today, người phụ nữ họ Wang tới quán lẩu ở thành phố Trịnh Châu cùng bạn bè vào ngày 18/3 để thưởng thức bữa tối.
Sau khi ăn xong, các bạn của cô Wang ra về trước. Vài phút sau, cô Wang rời khỏi bàn ăn, nhưng được thông báo quán lẩu đã bị phong tỏa ngay lập tức vì có một ca mắc Covid-19.
'Nếu như tôi rời khỏi quán lẩu chỉ trước 1 phút, tôi đã có thể ra về. Tôi chỉ chậm chân có 1 phút', cô Wang chia sẻ có khoảng 30 hành khách khác cũng rơi vào cảnh tương tự.
Tuy nhiên, trải nghiệm cách ly ở nhà hàng lẩu lại không hề tệ, theo cô Wang.
'Nhà hàng phục vụ đồ ăn cho chúng tôi hoàn toàn miễn phí. Vào lúc 3 giờ sáng, họ nấu mì cho chúng tôi. Bữa sáng có một vài món ăn. Chúng tôi có thể gọi bất cứ món gì kể cả lẩu. Tôi đã gọi món mực, thịt bò và mì. Tôi ăn no tới mức không thể di chuyển được', cô Wang nói.
Tờ Beijing Youth Daily cho biết cô Wang đã được phép rời khỏi nhà hàng lẩu vào ngày hôm sau, nhưng được khuyên nên ở nhà để tự cách ly thêm 13 ngày.