Không cần chồng phải quá yêu chiều, phụ nữ cần nhất được chồng hiểu và tôn trọng. Đó cũng là nguyên tắc quan trọng số 1 trong cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng anh chồng trong câu chuyện dưới đây lại không hiểu điều ấy khiến vợ anh bức xúc lên mạng xã hội than thở.
Câu chuyện như sau: 'Trần đời em ghét nhất là kiểu đàn ông chấp nhặt. Tiếc là ở đời hình như ghét của nào, trời trao của ấy nên cuối cùng em lấy ngay phải lão chồng đã vô tâm còn nhỏ nhen, để bụng.
Bài chia sẻ của người vợ
Không nhắc tới chồng thì thôi, nhắc tới em lại chán tới nẫu hết cả ruột gan. Chồng em là con một, quen được bố mẹ chiều chuộng từ bé thành ra có gia đình rồi nhưng vẫn giữ lối sống kiểu cậu ấm. Ngoài việc công ty, lão không bao giờ động chân động tay giúp vợ việc nhà. Vợ ốm lão sẵn sàng ra quán ăn hoặc gọi đồ về nhà thì dùng bát đũa ăn 1 lần, tránh khỏi phải rửa. Nghe thì có vẻ lão tuềnh toàng thoải mái đấy nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn.
Chồng em tự cho bản thân cái quyền là đàn ông thì thế nào cũng được, vợ thì không. Ghét nhất là động tý lão lại mang vợ ra so sánh với hết người này người kia. Tới nhà bạn bè ăn cơm, giữa bàn tiệc lão cũng bảo vợ nhìn họ nấu đó mà học, ý bảo vợ mình không bằng vợ người ta. Ra ngoài gặp phụ nữ nào thành đạt, lão cũng liếc vợ bảo: 'Đấy, thế mới là phụ nữ chứ, sang mặt chồng'. Tóm lại ở chỗ nào chồng em cũng chê bai coi thường vợ.
Nhất là đợt gần đây, cạnh nhà em có hàng xóm mới. Chị vợ bên nhà đó làm bên hàng không, xinh tươi, trẻ đẹp lắm. Phải công nhận chị ấy bằng tuổi em mà nhìn như trẻ hơn mấy tuổi. Chồng chị ấy tâm lý lắm, toàn thay vợ chăm con, việc nhà cửa còn đảm đang, chỉn chu hơn phụ nữ nên nhìn chị vợ lúc nào cũng thảnh thơi, ở nhà vẫn xúng xính váy áo lộng lẫy. Mỗi lần chị ấy đi ngang qua ngõ, chồng em lại liếc xéo sang vợ, chẹp miệng: 'Nhìn vợ người ta mà ngượng'.
Hôm qua, em làm sinh nhật cho con, mời cả ông bà nội ngoại hai bên sang dự. Một mình em vừa trông con vừa chợ búa nấu nướng, chồng vẫn nằm khểnh xem tivi không đoái hoài đỡ vợ được dù chỉ 1 tí.
6h tối bố mẹ em sang, thấy cơm nước cỗ bàn chưa xong, mẹ mới hỏi. Chồng em nằm trong nhà nghe vậy chạy luôn ra kể tội vợ: 'Gớm, vợ con có được như người ta. Làm cái gì cũng chậm. Mang tiếng làm cả buổi chiều mà đã xong đâu. Chả biết ngày trước bố mẹ dạy dỗ cô ấy kiểu gì'.
Biết tính con rể, mẹ em không nói gì. Bà định xắn tay vào chuẩn bị giúp con gái. Trong bếp nghe chồng nói, em bực lộn ruột lộn gan. Không thể kiềm chế nổi nữa, em bỏ đôi đũa xuống bồn rửa bát, ra trước mặt lão bảo: 'Anh cứ được như chồng người ta đi rồi tôi ắt sẽ bằng vợ người ta như anh mong muốn. Bản thân anh không bằng chồng người ta thì cũng đừng so sánh tôi với người khác. Nhìn chồng người ta đó, đi làm về là đỡ việc vợ nên vợ họ mới được thảnh thơi, xinh tươi thế. Còn tôi có chồng như không, việc nặng nhẹ tự mình gánh vác làm sao đẹp nổi'.
Ảnh minh họa
Em nói, lão tím bầm mặt vừa tức vợ vừa ngượng với bố mẹ vợ. Đúng lúc bố mẹ chồng em đi tới, nghe con dâu nói, mẹ anh cũng vào mắng con trai trận té tác bảo lão ích kỷ, vô tâm. Thế là cả bữa lão ngồi ngậm tăm không nói được 1 lời. Từ hôm ấy tới giờ nhìn mặt mũi cứ lầm lì, em mặc kệ không làm lành.
Thật sự là em chán lắm rồi nên mới tức nước vỡ vờ như thế. Chẳng biết sau trận cãi vã này chồng em có chịu thay đổi, bỏ cái kiểu so sánh vợ đi không nhưng xả được những bực tức trong lòng ra em cũng nhẹ nhõm hơn chút. Với lại từ nay em quyết không nhịn lão nữa, vớ vẩn em nói lại ngay'.
Trong cuộc sống hôn nhân, phụ nữ luôn đứng vai trò nhẫn nhịn để giữ hòa khí gia đình. Tuy nhiên, sức chịu đựng của mỗi người đều có giới hạn, một khi họ 'tức nước vỡ bờ', các anh chồng khó hòng chống đỡ. Bởi khi họ đã quá thất vọng về các anh rồi thì sẽ không còn bất cứ sự nhân nhượng hay hi sinh nào cả.