'Của chồng công vợ' đấy là nguyên tắc của cuộc sống gia đình. Muốn tình cảm vợ chồng bền lâu, không ai được phép có tư tưởng tiền anh tiền tôi, mạnh ai người ấy quyết. Anh chồng trong câu chuyện dưới đây đã mắc phải sai lầm như thế khiến vợ anh cảm thấy hụt hẫng, tổn thương tinh thần khi sống bên người đàn ông cô lấy.
Quá thất vọng vì chồng, cô đã lên mạng giãi bày: 'Có ai giống em, kết hôn xong nhìn cuộc đời lúc nào cũng thấy tối tăm mù mịt. Cũng tại vợ chồng không tâm đầu ý hợp thành ra hôn nhân trục trặc, căng thẳng kinh khủng.
Ảnh minh họa
Kể về chồng em, nhiều người sẽ nghĩ em may mắn khi lấy được người đàn ông giỏi giang. Nói thật, ban đầu chính em cũng chọn anh ấy vì chí tiến thủ của anh. Nhưng khi về sống chung nhà rồi em lại ngán ngẩm nhận ra dường như mình đã sai lầm khi lấy người quá đam mê sự nghiệp.
Chồng em thuộc diện hoạt bát nhanh nhạy, anh luôn đặt công việc lên hàng đầu, mọi thứ khác đều gạt hết sau lưng, vợ con cũng không ngoại lệ.
Đặc biệt, bản thân làm ra kinh tế hơn vợ nên anh tự cho mình quyền quyết định mọi thứ. Tất cả những việc anh làm hầu hết không bao giờ hỏi qua ý vợ. Mỗi tháng nhận lương, anh chuyển cho em 1 khoản đủ lo chi tiêu sinh hoạt gia đình. Còn lại anh mua sắm, biếu xén bố mẹ ra sao, cho anh em thế nào em tuyệt nhiên không bao giờ được quyền can thiệp.
Buồn hơn, anh còn lấy khoảng cách thu nhập giữa vợ chồng làm căn cứ đối đãi với nội ngoại hai bên. Lương anh cao nên mọi khoản biếu xén ông bà nội bao giờ cũng nhiều hơn ông bà ngoại. Em mà lên tiếng, anh sẽ nói: 'Cô thích biếu bố mẹ cô thì tự kiếm tiền mà mua biếu'.
Cách đây 3 tháng, đi làm về anh thông báo đã mua 1 căn hộ khác rộng hơn, gần công ty anh làm với giá hơn 3 tỷ. Anh hồ hởi sắm sửa tân trang nội thất trong suốt 2 tháng, không bàn bạc tí nào với vợ. Xong xuôi hết, anh đi xem ấn định ngày tân gia, em cũng không hề biết. Đến tối hôm trước khi về nhà mới, anh mới bảo: 'Mai chủ nhật em dọn đồ để chuyển sang nhà mới. Anh mời khách khứa, đặt nhà hàng mấy mâm cơm mừng tân gia. Nhà này tạm thời sẽ cho thuê, sau được giá thì bán'.
Em nghe vậy nhẹ nhàng đáp: 'Em không dọn tới nhà mới của anh đâu. Nhà ấy mua bằng tiền của anh kiếm ra, em không góp được tí công sức nào nên không dám về ở. Em sẽ ở căn nhà này, tuy nó cũ nhưng em sống rất thoải mái'.
Tuy là đàn ông song chồng em thuộc diện khá tinh ý, nghe vợ nói thế nét mặt anh có chút bần thần. Hiểu những lời của vợ là ý gì, sau 1 hồi im lặng anh nấn ná tới gần em rồi bảo: 'Anh biết thời gian qua anh đã vô tâm, trong cách hành xử cũng có phần không đúng mực. Vợ đừng để bụng, anh hứa từ nay sẽ thay đổi. Nhà anh mua là để cả gia đình mình ở, của chồng công vợ. Anh được như ngày nay là nhờ có em đứng sau làm hậu phương. Nếu vợ mà không chịu dọn tới nhà mới thì thôi, anh cũng sẽ không dọn tới nữa. Chúng mình cùng ở nhà cũ, nhà mới cho thuê'.
Ảnh minh họa
2 đứa con em nghe chuyện bố mẹ cứ nhao nhao chạy vào năn nỉ mẹ phải về nhà mới vì chúng háo hức tới đó có phòng riêng theo lời bố kể. Sau em cũng chiều theo ý con. Từ hôm đó tới giờ, chồng em nghe vẻ cũng thay đổi, tâm lý tôn trọng vợ hơn chứ không lúc nào cũng coi mình là nhất'.
Tôn trọng, sẻ chia chính là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất nhất để tạo dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Không ít người mắc phải sai lầm như anh chồng trên với suy nghĩ đàn ông kiếm ra tiền sẽ có quyền định đoạt, quyết định mọi thứ trong gia đình mà không quan tâm tới cảm nhận suy nghĩ của vợ. Điều ấy khiến phụ nữ cảm thấy mình bị cô lập trong chính mái ấm của họ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đỗ vỡ hôn nhân.
Hi vọng qua chuyện lần này, anh chồng trong câu chuyện trên đã rút ra bài học cho bản thân để từ nay về sau tránh làm tổn thương tới người phụ nữ của đời mình. Được như vậy, mái ấm của anh mới không gì làm cho lung lay được.