Khuya 30/12, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP.HCM) do có hành vi đồng phạm giúp sức với bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai). Lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái đã được VKSND quận Bình Thạnh phê chuẩn.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) cho biết: 'Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái vì có hành vi đồng phạm về việc bạo hành cháu bé cùng Nguyễn Võ Quỳnh Trang.
Đồng phạm ở đây là 2 người trở lên, cùng thực hiện một tội phạm. Xét thấy đối tượng Thái cùng giúp sức về mặt vật chất và tinh thần trong suốt thời gian dài đánh cháu bé nên cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi của đối tượng Thái là đồng phạm.
Việc đồng phạm ở hành vi nào, về mặt vật chất hay tinh thần như xúi giục, có tham gia đánh hay không, có cung cấp hung khí đánh bé gái hay không… sẽ được điều tra, làm rõ.
Trong suốt thời gian dài mà Trang bạo hành cháu bé 8 tuổi như thế, hành vi của người bố rất đáng phải lên án.
Nếu cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi của Thái, nhưng Thái biết hành vi của Trang như thế mà vẫn giúp sức về mặt tinh thần thì việc xác định hành vi đồng phạm là có căn cứ, có dấu hiệu tội phạm, do đó việc xử lý đối tượng Thái là cần thiết.
Tuy nhiên, việc khởi tố bị can Trang về tội danh 'Hành hạ người khác' có tương xứng với mức độ hành vi và hậu quả gây ra cho cháu bé hay không, đến lúc này dư luận vẫn đặc biệt quan tâm.
Khi cháu bé được đưa vào bệnh viện, khám nghiệm ban đầu nhận thấy trên người bé có dấu vết bầm tím, nghĩa là ở đây có sự tác động về vũ lực từ phía bên ngoài gây nên thương tích.
Theo kết luận của cơ quan điều tra thì nguyên nhân tử vong của cháu bé là phù phổi. Nguyên nhân do cháu bị dùng vũ lực dẫn đến cái chết, hay là hậu quả gián tiếp của việc dùng vũ lực đó là do vết thương cũ tái phát, trào ngược thức ăn?
Nếu đúng nguyên nhân làm chết cháu bé là do quá trình dùng vũ lực trong một thời gian dài thì cần khởi tố tội danh 'Cố ý gây thương tích' dẫn đến hậu quả kết người.
Còn nếu mà cơ quan điều tra xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé là do tác động trực tiếp bằng vũ lực gây nên thì rõ ràng đối tượng Trang có dấu hiệu về tội 'Giết người' và Thái cũng là đồng phạm về tội danh này.
Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang.
Cơ quan điều tra chưa công bố kết luận cuối cùng về nguyên nhân cháu bé tử vong. Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu đã cho thấy Trang có dấu hiệu của tội 'Cố ý gây thương tích'. Từ đó, cũng có thể kết luận đối tượng Thái có hành vi phạm tội với trẻ em là hình thức định khung tăng nặng.
Về việc khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang, luật sư Thơm phân tích: 'Hiện nay, cơ quan điều tra đang khởi tố bị can Trang về tội 'Hành hạ người khác' theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự với hình phạt là 3 năm tù. Đây là tội danh ít nghiêm trọng.
Nếu như cơ quan điều tra bắt tạm giam bị can Trang với tội danh vừa nêu là trái quy định. Theo Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự, chỉ bắt giam bị can có tội danh khởi tố nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cơ quan điều tra ra lệnh bắt giam người theo quy định tại khoản 2 Điều 140 là cần phải xem xét lại'.
Còn luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm cho biết: 'Đối với nhiều người quan tâm tới vụ việc thì thấy rằng việc chỉ khởi tố đối tượng Trang về tội danh 'Hành hạ người khác' là chưa thỏa đáng với hậu quả đã gây ra cho em bé. Tuy nhiên, để xác định tội danh chính xác trong trường hợp này, cần phải nhìn vụ việc dưới lăng kính của khoa học pháp lý về cấu thành tội phạm chứ không thể cảm tính.
Dưới góc độ khoa học pháp lý về cấu thành tội phạm, cần phải nói rằng, hai tội danh 'Hành hạ người khác' và 'Cố ý gây thương tích' đều có thể được thực hiện bằng những hành vi giống nhau như đánh, tát, đấm, đá…
Điều khác nhau cơ bản trong cấu thành tội phạm của hai tội danh này là: Đối với tội 'Hành hạ người khác' thì trong thiết kế điều luật không có hậu quả chết người xảy ra, còn tội 'Cố ý gây thương tích' thì hậu quả chết người được nhà làm luật dự liệu tại khoản 5, khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Do không loại trừ hậu quả chết người có thể xảy ra nên tội 'Hành hạ người khác' chỉ là tội ít nghiêm trọng, còn tội 'Cố ý gây thương tích' dẫn tới hậu quả chết người được quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã thực hiện với em bé cũng như hậu quả thực tế xảy ra thì hành vi của Trang có vẻ sát hơn nếu khởi tố đối tượng này về tội danh 'Cố ý gây thương tích' dẫn tới hậu quả chết người theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Mặc dù đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang về tội danh 'Hành hạ người khác' tuy nhiên, quá trình điều tra, nếu thấy có đủ cơ sở để khởi tố Trang về một tội danh khác thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Qua đó nhằm đảm bảo nguyên tắc đúng người đúng tội mà Bộ luật tố tụng hình sự đã đề ra cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nên việc cơ quan điều tra trước mắt xác định vai trò của người bố là đồng phạm nên đã khởi tố bị can, bắt tạm giam khẩn cấp là việc làm cần thiết'.