Bánh, mứt, kẹo là những sản phẩm tiêu dùng tăng trưởng mạnh thời điểm cuối năm. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ xấu cũng tranh thủ đưa ra thị trường những loại bánh mứt kẹo mập mờ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại được đóng gói của các nhãn hàng nổi tiếng.
Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế và môi trường - Công an huyện Đông Anh, phối hợp Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục QLTT Hà Nội, kiểm tra bất ngờ một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện và thu giữ khoảng 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
100kg kẹo không rõ xuất xứ được chia nhỏ, đóng gói trong các hộp nhựa, sau đó dán mác giả và bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, gần 1 tấn ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng cùng gần 15 mặt hàng thực phẩm đắt hàng dịp cuối năm như: khô gà, khô bò, khô mực cùng các loại bánh, kẹo không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: 'Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các kho hàng đang tập hợp hàng, chủ yếu là hàng quá hạn để đưa vào các gói quà hay hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu. Dịp cuối năm sẽ nhiều hơn'.
Qua kiểm tra sơ bộ, số hàng hóa trên do cơ sở đóng gói, nhưng trên bao bì không có bản tự công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định. Đặc biệt, để trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, các đối tượng cũng vô cùng tinh vi trong quá trình lựa chọn địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa.
Trung tá Ngô Văn Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, nói: 'Chúng tôi đã mất rất nhiều đêm trinh sát mới đột nhập được vào kho hàng này. Các đối tượng rất tinh vi khi luôn tập kết các kho hàng tại các con ngõ rất sâu, đi đóng về mở, ít người qua lại. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi'.
Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ các loại bánh kẹo nhâp lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ nhộn nhịp hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lên kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng; tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình để kịp thời xử lý nghiêm hành vi kinh doanh vận chuyển và tiêu thụ bánh kẹo thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… trên địa bàn.
Các nhãn hàng tăng cường bảo hộ sản phẩm
Việc phân biệt thật giả khi có kết luận của lực lượng quản lý thị trường thì rõ. Tuy nhiên, với hàng ngàn, hàng vạn mặt hàng được giả mạo tinh vi đang được bán công khai cả trên mạng lẫn các siêu thị thì công tác kiểm soát và quản lý là vấn đề đặt ra. Một số giải pháp riêng đã được các doanh nghiệp, chủ nhãn hàng đưa ra để vừa bảo vệ thương hiệu của mình, vừa giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.
Thời điểm cuối năm, bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi lên đến 90%. Để phân biệt với hàng nhái, các nhãn hàng luôn có mã vạch, số lô sản xuất trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi mua cũng cần chú ý đến những chi tiết trên sản phẩm.
Bà Hồ Thị Cẩm Linh, Giám đốc Công ty Kim Linh, Hà Nội, cho biết: 'Bạn phải nhìn rõ thương hiệu mình cần mua là thương hiệu gì, thứ 2 là phải nhìn xuất xứ hàng hóa, thứ 3 hàng nhập khẩu thì phải xem được tem mác nhập khẩu, điều này sẽ phân biệt được hàng thật hay hàng giả'.
Khi có thông tin hàng giả hàng nhái xuất hiện trên thị trường, các nhãn hàng thường mua hàng giả về để so sánh và đưa đi kiểm định chất lượng, từ đó đưa ra những yếu tố nhận diện để cảnh báo người tiêu dùng. Thực tế, có những sản phẩm chỉ người trong ngành mới nhận biết được đâu là hàng giả
Ông Nguyễn Thành Huân, Giám đốc điều hành TCP Việt Nam, nhận định: 'Họ liên tục thay đổi bao bì làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn. Có thể sử dụng màu sắc, logo na ná, thậm chí là vị họ làm cũng rất gần với sản phẩm thật'.
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng và các nhãn hàng để bài trừ hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về các sản phẩm tiêu dùng chính hãng, thận trọng khi mua hàng, không ham hàng rẻ bởi hàng giả, hàng nhái thường sẽ cùng mang tên nhãn hiệu nhưng giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.