Nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng trình báo với cơ quan Công an.
Ngày 25/7/2023, chị L.T.N (trú tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long), nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh đe dọa, cáo buộc chị tham gia và là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy.
Đối tượng yêu cầu chị L.T.N khai báo lý lịch của bản thân, một số quá trình làm việc, di chuyển trong khoảng thời gian từ ngày 15/3 đến nay và số tiền hiện có trong tài khoản ngân hàng. Khi chị L.T.N hoang mang, lo sợ và bắt đầu nghe theo lời của đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng “Phần mềm bảo mật”, có logo Bộ Công an, mục đích là để truy cập vào danh bạ, tin nhắn trên điện thoại.
Sau đó, đối tượng lừa đảo tiếp tục đe dọa, yêu cầu chị thay đổi mật khẩu internet banking, rồi đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng, nhằm chiếm quyền điều khiển tài khoản internet banking của nạn nhân.
Khi đã thực hiện thay đổi mật khẩu thành công, đối tượng lừa đảo âm thầm truy cập vào tài khoản ngân hàng của chị L.T.N tất toán các khoản gửi tiết kiệm online và chuyển toàn bộ sang tài khoản của chúng. Kết quả, tổng số tiền chị N bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 400 triệu đồng.
Công an huyện Cô Tô, Quảng Ninh phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền đến từng hộ gia đình về các thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng.
Thủ đoạn chung của các đối tượng là sử dụng sim điện thoại “rác”, không chính chủ, phân vai giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa các bị hại “liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng” như: Rửa tiền, buôn bán ma túy; mục đích để yêu cầu bị hại đăng ký mới, hoặc thay đổi mật khẩu internet banking theo hướng dẫn của chúng, cài ứng dụng giả mạo logo Bộ Công an để truy cập danh bạ, đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng, nhằm chiếm quyền kiểm soát tài khoản internet banking và chuyển tiền sang tài khoản của các đối tượng lừa đảo mà nạn nhân không hề hay biết.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết đang tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc anh Đ.V.C, trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long tố giác việc bản thân bị các đối tượng chưa rõ lai lịch lừa đảo chiếm đoạt hơn một tỷ đồng khi tham gia đầu tư chứng khoán tại ứng dụng Diamond Asia, xảy ra từ ngày 26/5 đến 13/6 tại thành phố Hạ Long.
Trước đó, ngày 15/5, có một phụ nữ gọi điện mời anh Đ.V.C tham gia đầu tư chứng khoán và anh Đ.V.C đồng ý. Sau đó người này sử dụng Zalo tên “Nhật Hạ Nguyễn” kết bạn Zalo với Đ.V.C. Sau đó, “Nhật Hạ Nguyễn” gửi cho anh Đ.V.C đường link qua tin nhắn Zalo và yêu cầu anh tải ứng dụng có tên Diamond Asia về máy điện thoại cá nhân để giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Sau khi tải ứng dụng, “Nhật Hạ Nguyễn” hướng dẫn anh Đ.V.C mở tài khoản chứng khoán trên ứng dụng Diamond Asia bằng cách tự sử dụng thông tin tên của anh Đ.V.C và số điện thoại cá nhân để đăng ký.
Theo hướng dẫn của “Nhật Hạ Nguyễn”, từ ngày 26/5 đến 5/6, anh Đ.V.C đã nhiều lần chuyển tiền đến các tài khoản trên để đầu tư chứng khoán, với tổng số tiền 370 triệu đồng và liên tục thắng có lãi.
Trên ứng dụng Diamond Asia thể hiện số tiền anh Đ.V.C đầu tư thắng khoảng 600 triệu đồng sau khi đầu tư nạp tiền. Khi thấy số tiền lãi nêu trên thì anh Đ.V.C thực hiện việc rút tiền trên ứng dụng, tuy nhiên không rút được.
Từ ngày 12/6 đến 13/6, anh Đ.V.C đã chuyển số tiền 800 triệu đồng theo hướng dẫn của “Nhật Hạ Nguyễn” để rút tiền nhưng không thực hiện được. Sau khi chuyển số tiền nêu trên thì “Nhật Hạ Nguyễn” vẫn tiếp tục yêu cầu anh Đ.V.C phải chuyển thêm tiền thì mới rút được tiền ra. Nhận thấy bản thân bị lừa đảo cho nên anh Đ.V.C đã đến trình báo cơ quan công an.
Thượng tá Trần Văn Đức, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Với sự tinh vi trong việc thao túng tâm lý nạn nhân, các đối tượng xấu thường dùng các chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện nay, Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiếp tục thu thập chứng cứ, quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm nêu trên, đồng thời khuyến cáo người dân đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 29 vụ, tổng số tiền bị thiệt hại lên tới hơn 60 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nêu trên là do nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội còn hạn chế.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn mới là dùng Phishing (tấn công giả mạo) - hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công giả mạo các cá nhân, đơn vị có mức độ uy tín cao để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho chúng. Thông thường, tin tặc sẽ giả mạo thành ngân hàng, trang web giao dịch trực tuyến, ví điện tử, các công ty thẻ tín dụng để lừa người dùng chia sẻ các thông tin nhạy cảm như: Tài khoản - mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch, thẻ tín dụng và các thông tin giá trị khác.
Đặc điểm chung của tấn công giả mạo là điều hướng nạn nhân đăng nhập vào đường link dẫn tới các trang website giả mạo, tải những ứng dụng giả mạo đã được lập sẵn có giao diện giống với những website thật khiến nạn nhân không nhận định được thật, giả. Kèm theo những lời cảnh báo, đe dọa sẽ bị khóa tài khoản ngân hàng cá nhân, bị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản, hoặc yêu cầu trong thời gian ngắn phải chuyển số tiền nhất định để nhận được những món quà có giá trị cao, số lượng có giới hạn.
Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ khi nhận được các cuộc gọi đe dọa, giả danh công an, viện kiểm sát và tuyệt đối không truy cập, thay đổi mật khẩu tài khoản internet banking, cài các phần mềm lạ hoặc cung cấp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng theo hướng dẫn của các đối tượng này; kịp thời báo tin đến cơ quan bảo vệ pháp luật để có biện pháp xử lý kịp thời.