Đó cũng chính là những trở ngại mà lực lượng CSHS - Công an tỉnh Hà Giang đã vượt qua trong cuộc điều tra vụ lừa đảo tiền tỷ bằng công nghệ giả mạo giọng nói.
Tình ảo, họa thật
Với Trung tá Lê Minh Tuấn - (Phó đội trưởng, Phòng CSHS, Công an tỉnh Hà Giang) thì cuộc điều tra vụ lừa tình chiếm đoạt tiền tỷ bằng công nghệ giả mạo giọng nói ấy đã để lại những ký ức nghề nghiệp sâu sắc.
Lực lượng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Hà Giang phá án. (Ảnh minh họa)
Anh cho biết vào tháng 9-2021, Công an tỉnh Hà Giang nhận được tin trình báo của chị N. (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), theo đó vào khoảng năm 2018, do buồn chuyện gia đình tan vỡ, chị đã lên mạng Facebook và làm quen với một người đàn ông có nick là Trần Quang Khánh. Người này tự giới thiệu mình là cán bộ Công an tỉnh Tuyên Quang, hiện đang tăng cường công tác tại tỉnh Hà Giang.
Sau nhiều lần trò chuyện, hai người phát sinh quan hệ tình cảm yêu đương, nhưng chị chưa bao giờ gặp mặt Khánh trực tiếp, thậm chí Khánh từ chối việc đàm thoại có hình ảnh, không đồng ý cho chị N lên thăm nhà với lý do gia đình anh ta phản đối mối quan hệ này. Khánh cho biết người cản trở mối quan hệ của Khánh với chị N là bố đẻ của anh ta, tên là Trần Quang.
Chị N liền xin số điện thoại của ông Quang để trao đổi, xin cho Khánh và chị đến với nhau. Ngoài ra, Khánh còn giới thiệu với chị N về người em gái tên là Nhung đang kinh doanh ở TP Hà Giang. Sau khi trao đổi, làm quen với nhau qua số điện thoại Khánh cho, Nhung đã xuống Hà Nội gặp chị N chơi vài lần, rồi cùng nhau đi thăm quan… từ đó chị N rất tin tưởng Nhung và gia đình Khánh.
Cũng trong thời gian 'yêu' trên mạng, Khánh nhiều lần hỏi vay tiền của chị N để giải quyết việc riêng và đầu tư làm ăn. Khi đã yêu, chị N không hề nghi ngờ nên đã nhiều lần chuyển tiền qua tài khoản cho Khánh. Đến khi trao đổi với nick Trần Quang (bố của Khánh) trên Zalo, người này cũng hỏi vay tiền của chị N để lo chuyển công tác cho Khánh từ Công an Tuyên Quang về Hà Nội. Vì tin tưởng, chị N đã nhiều lần chuyển một khoản tiền lớn cho ông Quang vay.
Đến lúc gặp Nhung, chị N tiếp tục bị đưa vào 'ma trận' của những lời đường mật, để rồi chị đã chuyển khoản cho Nhung những khoản tiền lớn. Tổng số tiền mà chị đã chuyển khoản cho Khánh, ông Quang và Nhung vay khoảng 4 tỷ đồng. Các tài khoản thụ hưởng gồm Hoàng Thu Huyền, Đặng Thị Linh và Trần Thị Phượng, Vũ Thị Nhung. Sau nhiều lần Khánh, ông Quang và Nhung thất hẹn trả tiền, tìm mọi lý do để thoái thác trách nhiệm trả nợ, chị N sinh nghi nên đến Công an tỉnh Hà Giang trình báo.
Hành trình truy xét
Cùng với đơn trình báo vụ việc, chị N đã cung cấp toàn bộ dữ liệu tin nhắn cùng tài liệu sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh về các giao dịch chuyển tiền giữa chị và các đối tượng liên quan.
Trung úy Hoàng Đức Cường - (Phòng CSHS, Công an tỉnh Hà Giang) cho biết qua kiểm tra, xác định tại Công an tỉnh Tuyên Quang không có cán bộ nào tên là Trần Quang Khánh đang tăng cường ở Hà Giang. Như vậy, có thể thấy đây là một vở kịch hoàn hảo của một nhóm đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, có lớp lang với sự phân công vai trò chặt chẽ của từng đối tượng.
Các chi tiết, nhân vật xuất hiện trong câu chuyện rất hợp lý, khiến bị hại tin tưởng tuyệt đối mà giao tiền cho bọn chúng. Phương thức hoạt động của thủ phạm rất tinh vi, xảo quyệt, sử nhiều tài khoản Facebook, Zalo 'ảo', các số điện thoại không đăng ký tên chính chủ, đồng thời sử dụng các hình ảnh tải trên mạng xuống, các thông tin đăng ký tài khoản không xác minh được.
Lực lượng CSHS Công an tỉnh Hà Giang tập trung nghiên cứu, phân tích và xác minh từng thông tin do bị hại cung cấp. Bên cạnh việc xác minh về Trần Quang Khánh và Trần Quang, các điều tra viên, trinh sát của đơn vị tập trung vào nhân vật thứ 3, đó là Vũ Thị Nhung, người được Khánh giới thiệu là em gái của mình và đã từng đến nhà bị hại ở Hà Nội. Manh mối tìm Nhung lúc này là dựa trên nguồn tin chị N cung cấp, rằng Nhung hiện đang kinh doanh trên địa bàn TP Hà Giang.
Trung úy Cường nhớ lại: 'Nghiên cứu các tài khoản Facebook, Zalo mà đối tượng Khánh, Quang đã sử dụng khi giao dịch với chị N, nhận thấy có sự trùng khớp ít nhiều với lịch trình sinh hoạt, công việc của Facebook, Zalo mang tên Vũ Thị Nhung. Ngoài ra, các thông tin và sự việc liên quan đến đối tượng sử dụng tài khoản Trần Quang Khánh và Vũ Thị Nhung có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, chúng tôi nhận định Nhung là một trong những mắt xích quan trọng trong ổ nhóm lừa đảo này. Tìm được Nhung có thể làm rõ sự thật của vụ án cùng các đối tượng khác có liên quan'.
Một hướng truy xét khác được triển khai song song, đó là truy theo hướng chảy của dòng tiền được chuyển đi từ tài khoản của chị N. Trong số các tài khoản nhận tiền, có 1 tài khoản mang tên Vũ Thị Nhung. Đây là điểm đột phá để xác định nhân thân của Nhung, tạo căn cứ cho việc xác minh, truy tìm đối tượng.
Khi được mời lên làm việc, những người có tài khoản mang tên Hoàng Thu Huyền, Đặng Thị Linh và Trần Thị Phượng đều khai không biết Trần Quang Khánh, Trần Quang là ai, mà chỉ được Vũ Thị Nhung (sử dụng tài khoản facebook ' Nhung Cảnh') là bạn của Huyền, Linh, Khánh nhờ nhận tiền từ chị N, với lý do tài khoản của Nhung bị lỗi, không nhận được tiền. Sau khi nhận được tiền, họ đều chuyển khoản cho Vũ Thị Nhung, nhưng cũng không biết Nhung là ai, ở đâu vì quen biết nhau trên mạng.
Như vậy, mọi thông tin đã rất 'chụm', cho phép xác định Vũ Thị Nhung có vai trò quan trọng trong vụ án, nhưng việc tìm được người này không phải chuyện dễ dàng. Qua nhiều ngày rà soát trên địa bàn TP Hà Giang, không tìm được người có tên và đặc điểm phù hợp, lực lượng phá án tiếp tục cử 2 tổ công tác đến từng phường, xã để rà soát dữ liệu dân cư và nắm tình hình thực tế.
Kết quả đã phát hiện có một người phụ nữ tên là Vũ Thị Nhung - (SN 1991, trú tại thôn Cây Dừa, xã Nhỡ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), đang tạm trú tại tổ 14, làm nghề bán cá tại một chợ xép trong phường Minh Khai. Tiến hành xác minh về Nhung, kết quả cho thấy đây đúng là người đã tiếp cận chị N thực hiện hành vi lừa đảo, nhưng Nhung không có mặt tại nơi tạm trú.
Nhân chứng cho biết Nhung có rất nhiều tiền để tiêu xài cá nhân, dùng đồ hàng hiệu trong khi chị ta chỉ buôn bán nhỏ tại chợ. Đây là biểu hiện bất minh về kinh tế của đối tượng, được các trinh sát đặc biệt chú ý. Các tổ truy tìm Nhung cũng báo về rằng hơn một tuần nay chị ta vắng mặt ở chợ, không biết đang làm gì, ở đâu. Tổ chức cho chị N tiếp tục nhắn tin cho Trần Quang Khánh, Trần Quang và Vũ Thị Nhung để câu nhử, nhưng các đối tượng 'không bắt nhời', dường như chúng lờ mờ đoán được chị N đã trình báo Công an, nên có dấu hiệu cắt liên lạc và bỏ trốn.
Đối tượng Vũ Thị Nhung.
Ổ nhóm chỉ có… 1 tên
Kiên trì triển khai các biện pháp nghiệp vụ săn lùng Vũ Thị Nhung, cuối cùng các trinh sát đã phát hiện chị ta hiện đang lẩn trốn tại một khách sạn trên địa bàn TP Hà Giang, đồng thời các tài khoản 'Trần Quang Khánh', 'Trần Quang' cũng đang 'nổi' ở tại vị trí khách sạn này.
Nhận thấy đây là thời cơ tốt để phá án, chỉ huy phòng CSHS đã bố trí lực lượng bao vây chặt địa điểm này và lên phương án bắt giữ các đối tượng. Khi các trinh sát ập vào thì chỉ thấy có một mình Vũ Thị Nhung đang lẩn trốn trong phòng, không thấy Trần Quang Khánh và Trần Quang đâu. Kiểm tra hành lý của Nhung thì có 3 chiếc điện thoại di động.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Nhung phủ nhận mọi sự liên quan của mình đến vụ án, nhưng trước những chứng cứ đã thu thập được, Nhung đã phải cúi đầu nhận tội. Vậy còn Trần Quang Khánh và bố của Khánh là ông Trần Quang là ai, hiện đang ở đâu? Cuộc điều tra đã dẫn đến một kết cục… ít ai có thể lường tới.
Trung tá Tuấn kể: 'Tất cả bí mật nằm trong 3 chiếc điện thoại thu của Nhung. Đến chúng tôi cũng thấy khó tin khi mà những người đàn ông hàng ngày vẫn trò chuyện qua điện thoại với chị N trong suốt 2 năm qua, lại chính là Nhung, chứ không có Trần Quang Khánh và Trần Quang nào cả.
Để làm được việc này, Nhung đã sử dụng phần mềm chuyển đổi giọng nói cài trên điện thoại khi liên lạc với chị N. Tiến hành kiểm tra khả năng gây án bằng thủ đoạn này, kết quả xác định khi Nhung gọi trên máy dùng phần mềm chuyển giọng, thì ở đầu dây bên kia, người nghe thấy đó là giọng nam giới đang đàm thoại. Như vậy, trong vụ án này một mình Vũ Thị Nhung vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên một lúc đóng 3 vai trong vở kịch của mình'.
Vẫn theo Trung tá Tuấn, vụ án này là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người về sự cần thiết phải đề cao cảnh giác khi tham gia vào các mối quan hệ trên mạng xã hội. Bằng việc khai thác triệt để các ứng dụng khoa học, công nghệ, kẻ gian có thể thực hiện hành vi phạm tội bằng rất nhiều chiêu trò, phương thức thủ đoạn khác nhau.
'Không dễ dãi đặt lòng tin vào một ai đó trên thế giới ảo, nhất là không làm theo những yêu cầu, đề nghị liên quan đến tiền, khi chưa thể xác định chính xác người đó là ai. Mỗi người khi tham gia vào mạng xã hội, cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, để giữ mình an toàn, không trở thành con mồi trong tay bọn tội phạm' - Trung tá Tuấn khuyến cáo.