Mất tiền vì tưởng người quen
Ngày 29/11/2022, qua Facebook, chị Nguyễn Thị Hồng, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội nhận được tin nhắn hỏi vay 20 triệu đồng từ một người bạn. Do số tiền lớn, chị Hồng đã cẩn thận gọi video call để xác minh danh tính người vay. Đầu dây bên kia bắt máy, có hiện hình ảnh chủ tài khoản nhưng chỉ vài giây là cuộc gọi bị gián đoạn. Lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa nên chị Hồng đã chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản do 'bạn mình' cung cấp.
Lấy lý do đang đi đường nên không video call được lâu, kẻ xấu đã lừa được nạn nhân số tiền 20 triệu đồng.
Chị Hồng chia sẻ: 'Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của bạn, mình cũng đã cẩn thận gọi video call lại để kiểm tra xem có phải bạn mình hay không thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Mình đã tin tưởng chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của bạn mình đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Mình hoảng quá gọi điện lại cho bạn thì bạn mình xác nhận đấy chính là kẻ xấu lừa đảo'.
Tương tự, chị Đỗ Thu Thanh, 30 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị kẻ xấu lừa 40 triệu. Ngày 28/11, chị nhận được tin nhắn vay tiền từ tài khoản Facebook của người em trong công ty. Thấy nghi ngờ, chị đề nghị người kia gọi điện để kiểm tra. Ngay lập tức, tài khoản trên gọi cho chị qua Messenger, nhưng chỉ nói chuyện khoảng vài giây rồi tắt máy. Sau đó người này nhắn tin lại cho chị Thanh nói rằng mình đang đi đường nên không tiện gọi video call. Do đã nhìn thấy hình 'cô em' trong cuộc gọi video nên chị Thanh không còn nghi ngờ gì nữa mà chuyển thẳng số tiền 40 triệu vào tài khoản người nhận.
Một nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo sau khi bị kẻ gian lừa một số tiền lớn.
Chị Thanh cho biết: 'Do tài khoản của người đó có tick xanh Facebook, đồng thời đã nhìn thấy đúng em mình trong cuộc gọi video qua Messenger nên tôi không nghi ngờ mà chuyển tiền luôn'. Tuy nhiên, chị Thanh vừa chuyển tiền buổi sáng thì đến buổi chiều chị lại nhận được tin nhắn của 'cô em' nói muốn vay thêm 60 triệu là tròn 100 triệu. Người này hứa chỉ sau 2 ngày thu xếp ổn thỏa công việc sẽ hoàn trả chị Thanh đủ số tiền đã vay.
Thấy có gì đó bất thường nên chị Thanh đã gọi điện thoại cho 'cô em' của mình thì người này nói rằng nick facebook của họ đang bị hack và bản thân họ không hỏi vay bất cứ ai một khoản tiền nào. Lúc này chị Thanh mới ngã ngửa khi biết 40 triệu của mình đã 'không cánh mà bay'.
Trước đó, chị Lê Thu Hoài, giáo sinh thực tập tại trường N.T cũng bị hack facebook bằng thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Các đối tượng gọi video, ghép mặt của Hoài rồi liên lạc với học sinh hỏi mượn tiền. Tưởng thật, nhiều em đã chuyển tiền cho cô giáo mượn. Khi được một số học sinh kể chuyện cô giáo nhắn tin hỏi vay tiền, nhiều phụ huynh đã cảm thấy 'có gì đó sai sai' nên đã thắc mắc với đồng nghiệp cô Hoài. Sự việc sau đó đã được làm sáng tỏ, rằng đã có kẻ xấu hack nick cô giáo để lừa đảo.
Những tin nhắn hỏi vay tiền của kẻ gian sau khi đã hack nick thành công.
Chiêu trò ngày càng tinh vi
Theo các chuyên gia về công nghệ, phương thức của các đối tượng này thường là tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… để tạo ra một kịch bản lừa đảo.
Sau khi đã có được thông tin cá nhân cơ bản của ai đó, họ bắt đầu lập tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo khác (tài khoản mạo danh) với tên giống tài khoản thật và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện. Sau đó, các đối tượng kết bạn với những người có tên trong danh sách bạn bè của tài khoản thật. Khi đã là bạn bè, đối tượng này bắt đầu nhắn tin, hỏi thăm, gạ gẫm tạo lòng tin và hỏi vay số tiền lớn. Các nạn nhân cẩn thận sẽ gọi video call để kiểm tra thì chúng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa.
Anh Lý Bá Tuyền (kỹ sư công nghệ thông tin) chia sẻ: 'Thực ra có rất nhiều phần mềm để cắt ghép hình ảnh vào 1 video đã được dựng sẵn. Các đối tượng lừa đảo sẽ dùng những thông tin thu thập trên Facebook thật chúng sẽ tạo ra video giả mạo, lồng ghép giọng nói đã được xử lý méo mó.
Khi nạn nhân gọi điện đến kiểm tra sẽ nhìn thấy người thân cử động, khẩu hình như thật. Tuy nhiên chúng chỉ thực hiện cuộc gọi khoảng vài giây và nhanh chóng kết thúc. Lý do chúng kết thúc sẽ là đang đi đường hoặc mất mạng. Sau đó chúng sẽ yêu cầu chuyển khoản một số tiền lớn vào một tài khoản lạ'.
Một nhóm đối tượng chuyên hack nick Facebook để lừa đảo.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần có những cảnh báo với người dân cần đặc biệt cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. Và khi có ai đó đề nghị mượn tiền, người dân cần thận trọng xác minh xem đó có phải là bạn bè, người thân của mình hay không. Ngoài ra cần phải cảnh giác để phân biệt đâu là tài khoản Facebook giả - thật. Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là, đối với tài khoản Facebook thật, thời gian đăng tải các thông tin, bình luận luôn có những khoảng cách nhất định, còn các hình ảnh, sự kiện trên tài khoản Facebook giả mạo, do được sao chép nên thời gian khởi tạo luôn mới và liên tục.
Không chỉ sử dụng chiêu bài lập tài khoản Facebook mới giống thật sau đó kết bạn mà các đối tượng này còn thường xuyên hack nick facebook sau đó vào trực tiếp phần chát để lừa đảo. Chúng vẫn chuẩn bị sẵn ảnh hoặc video mà người dùng đăng tải trước đó, sau đó đưa lên trước camera để gọi videocall cho nạn nhân. Chiêu trò phổ biến nhất là nhờ bình chọn cuộc thi, hoặc 'tag' vào các bài viết gây sốc, sau đó yêu cầu người xem phải đăng nhập Facebook để thực hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là trang web phishing - có giao diện giống trang của Facebook. Khi người dùng nhập thông tin, chúng sẽ được gửi đến hacker.
Các chuyên gia công nghệ cũng khuyên người dùng Facebook nên đặt mật khẩu 2 lớp cho các tài khoản, đồng thời không bấm vào các đường link lạ, không cài phần mềm không rõ nguồn gốc lên smartphone. Việc người dân để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, cơ quan công sở... chính là kẽ hở để kẻ gian xây dựng những kịch bản lừa đảo hoàn hảo và phù hợp với từng nạn nhân
Người dùng mạng xã hội cũng cần cảnh giác với những trào lưu như xem bói, hạn chế tham gia khi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng. Trong trường hợp được nhắn tin hỏi vay tiền, người dùng nên gặp trực tiếp hoặc gọi qua số điện thoại để xác minh.