Sáng 4-1, phiên toà sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), và 36 bị cáo trong đại án Việt Á tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo có sai phạm tại CDC Hải Dương.
Bị cáo Phạm Duy Tuyến được dẫn giải tới phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng
Khai trước tòa, bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, cho biết thời gian đầu dịch bùng phát tại Hải Dương, Bộ Y tế có cử 4 đơn vị y tế về hỗ trợ địa phương, song kết quả không đạt như mong muốn. Bởi việc thu thập mẫu xét nghiệm rồi vận chuyển từ Hải Dương về Hà Nội, cập nhật số liệu… đều rất mất thời gian, không đáp ứng yêu cầu 'chống dịch thần tốc'.
Khai về việc để Việt Á vào tham gia chống dịch, cựu giám đốc CDC tỉnh Hải Dương cho biết ban đầu Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) có liên hệ với mình, nhưng bị cáo nói việc này thuộc thẩm quyền của cấp trên. Sau đó, trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, tỉnh ủy, UBND tỉnh đều yêu cầu phải đưa Việt Á vào chống dịch. Cụ thể là chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy khi đó là ông Phạm Xuân Thăng và thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Vẫn theo lời khai ông Tuyến, do Việt Á là đơn vị chủ công trong xét nghiệm nên Phan Quốc Việt thường xuyên được tham gia các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Với vị trí Giám đốc CDC tỉnh, ông Tuyến cũng nhiều lần chỉ đạo, điều phối nhân viên phối hợp cùng công ty này trong việc lấy mẫu xét nghiệm.
Tại toà, cựu giám đốc CDC Hải Dương cho hay do tình hình dịch cấp bách, Hải Dương đã ứng trước kit xét nghiệm Công ty Việt Á, sau đó mới làm hồ sơ hợp thức việc chỉ định thầu rút gọn. Ông Tuyến trực tiếp ký 4 hợp đồng, tổng số tiền hơn 147 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Nam Anh
Cựu giám đốc CDC Hải Dương khẳng định không bàn bạc gì với Việt Á, 'chỉ biết làm và làm'. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngược lại với lời khai trên, bị cáo Tuyến đã nhận từ Phan Quốc Việt tổng số tiền lên tới 27 tỉ đồng.
Khai về việc nhận tiền, bị cáo Phạm Duy Tuyến cho hay sau khi thanh toán đợt đầu, phía Công ty Việt Á có đề nghị trích lại phần trăm lợi nhuận để chia sẻ với CDC Hải Dương và những người có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch. 'Bị cáo thấy việc này chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận, nghĩ là không vi phạm pháp luật nên nhận. Đến khi bị bắt, bị cáo mới biết hoàn toàn sai' - bị cáo Tuyến khai.
Đáng chú ý, bị cáo Tuyến khai mượn tài khoản của người thân, bạn bè để nhận tiền từ Phan Quốc Việt rồi mới rút ra. Thấy vậy, hội đồng xét xử hỏi 'bị cáo vừa khai rằng nghĩ là nhận tiền không sai nhưng lại chuyển tiền qua số tài khoản người khác, điều này có mâu thuẫn?'.
Thanh minh về việc này, cựu giám đốc CDC Hải Dương cho rằng nếu chuyển tiền vào tài khoản của CDC Hải Dương thì sẽ phải báo cáo chi tiết về số tiền giải ngân, như vậy thì không thể rút được tiền, nên bị cáo mới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Với số tiền 27 tỉ đồng, bị cáo Tuyến cho biết phía Việt Á để cho mình được quyền chủ động 'chia sẻ' cho những người có công chống dịch. Vì thế, bị cáo chia cho cựu bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD, chia cho cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Cường 7 tỉ đồng, chia cho một số cá nhân khác tại CDC hơn 1 tỉ đồng…
Hội đồng xét xử hỏi vì sao lại đưa tiền cho bị cáo Phạm Mạnh Cường nhiều hơn bị cáo Phạm Xuân Thăng, bị cáo Tuyến nói do bị cáo Cường là cấp trên trực tiếp của mình, rất vất vả trong quá trình chống dịch, đồng thời đã hỗ trợ CDC tỉnh Hải Dương rất nhiều trong việc soạn thảo các văn bản đề nghị thanh toán kit test.
Trước bục khai báo, cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng khai bị cáo được bầu làm bí thư Hải Dương từ tháng 10-2020. Thời điểm này, dịch ở Hải Dương Bùng phát, khi đang tham dự Đại hội Đảng, bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, có gặp bị cáo đề nghị để về Hải Dương để chống dịch. 'Tuy nhiên, bị cáo không tác động gì và cũng nói với ông Nguyễn Thanh Long việc này cần phải bàn với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ' - bị cáo Thăng nói.
Bị cáo này khai tiếp sau đó bị cáo có nói lại với nội dung của ông Nguyễn Thanh Long đề nghị cho Việt Á vào tham gia. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương khi đó là Phạm Mạnh Cường nói lại: 'Được thế thì tốt quá'.
Theo bị cáo Phạm Xuân Thăng, trong ngày 29-1-2021, tại buổi họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ bằng hình thức trực tuyến, bị cáo có chỉ đạo giao UBND tỉnh phối hợp với Việt Á để tham gia. Cũng trong một cuộc họp ở Tỉnh ủy có Phan Quốc Việt song không biết đơn vị nào tham mưu cho Tổng giám đốc tham gia.
Chủ toạ Trần Nam Hà hỏi: Việc cho Việt Á tham gia có phải do ông Nguyễn Thanh Long tác động?, cựu bí thư Hải Dương đáp: Khi đó công tác phòng chống dịch cấp bách, Việt Á được các cơ quan chuyên môn đề xuất, đồng thời có một người đứng đầu Bộ Y tế, có chuyên môn cao giới thiệu 'nên tôi tin tưởng'. Cùng với đó, bị cáo Phạm Xuân Thăng thừa nhận cáo trạng quy kết là 'xác đáng'.
Trước bục khai báo, cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng khai trong quá trình chống dịch đã nhận 100.000 USD trực tiếp từ Phan Quốc Việt vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021. Ngoài ra, bị cáo còn nhận 3 lần tiền của Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương. Trong đó, 2 lẫn mỗi lần 300 triệu đồng, 1 lần 50.000 USD. 'Số tiền đã nhận bị cáo sử dụng vào chi tiêu cá nhân' - bị cáo Thăng khai.