Sáng 19/10, TAND TPHCM đã kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM) và 9 đồng phạm liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7.
Sau 10 ngày xét xử, HĐXX đã cho rằng các bị cáo đều phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát”. Từ đó tuyên phạt Tất Thành Cang ( SN 1971) 6 năm tù cộng với án cũ 8 năm 6 tháng tù, tổng hợp Cang phải chịu mức án 14 năm 6 tháng tù; Trần Công Thiện (SN 1965, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận) 13 năm tù, cộng với án cũ 13 năm tù, tổng hợp Thiện phải chịu mức án 26 năm tù; Phạm Văn Thông (SN 1960, nguyên Phó Chánh Văn phòng thành ủy TPHCM) 11 năm tù, cộng với án cũ 6 năm tù, tổng hợp Thông phải chịu mức án 17 năm tù; Phan Thanh Tân (SN 1965, nguyên phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) 3 năm tù, Huỳnh Phước Long (SN 1967, nguyên Trưởng Phòng quản lý đầu tư và kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) 9 năm tù, cộng với án cũ 12 năm tù, tổng hợp Long chịu mức án 21 năm tù, Nguyễn Văn Minh (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận) 8 năm tù, cộng với án cũ 3 năm tù, tổng hợp Minh phải chịu mức án 11 năm tù; Nguyễn Hoàng Việt (SN 1960, nguyên kiểm soát viên công ty Tân Thuận) 3 năm tù, Trần Tấn Hải (SN 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) 5 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1972, nguyên kế toán trưởng Công ty Tân Thuận) 4 năm tù, Nguyễn Xuân Tùng (SN 1970, nguyên Trưởng phòng kinh tế tổng hợp Công ty Tân Thuận) 4 năm tù. Đồng thời, cấm các bị cáo (trừ hai bị cáo Tân và Việt) đảm nhiệm chức vụ từ 2 năm đến 5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho rằng, dự án Khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai phần diện tích hơn 11.900 m2 với giá 239 tỷ đồng. Kết quả định giá giá trị khu đất là 522 tỷ đồng, do đó số tiền thất thoát thực tế là 283 tỷ đồng.
Theo HĐXX, phần đất này, Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng dự án và bàn giao cho người dân nên không thể thu hồi. Do đó, tòa buộc bị cáo Trần Công Thiện và những người liên quan đến sai phạm phải liên đới bồi thường. Phần diện tích còn lại của dự án, tòa tuyên bàn giao cho UBND TPHCM xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với dự án khu dân cư Phước Kiển, dự án này đã hủy hợp đồng, nên coi như đã được khắc phục toàn bộ. Đối với số tiền lãi 16,9 tỷ đồng mà Quốc Cường Gia Lai đã nộp cho cơ quan điều tra, tòa tuyên thu hồi toàn bộ số tiền 16,9 tỷ đồng, chuyển cho Công ty Tân Thuận và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho Quốc Cường Gia Lai.
Ngoài ra, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên và phong tỏa tài sản là bất động sản của các bị cáo để đảm bảo quá trình thi hành án.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có 100% vốn Nhà nước, thuộc Ban Tài chính quản trị Thành uỷ TP HCM (nay là Văn phòng Thành uỷ). Năm 2000, Công ty Tân Thuận được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, tổng diện tích hơn 500.000 m2. Tuy nhiên, hết năm 2013, doanh nghiệp này mới đền bù được 324.000 m2.
Tháng 8/2016, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Căn cứ nội dung công văn này, Trần Công Thiện (thành viên Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty TNHH Kiểm toán & Dịch vụ tin học TP HCM thẩm định, xác định phần diện tích đất đã đền bù tại dự án có giá bình quân hơn 1,05 triệu đồng/m2.
Cuối tháng 5/2017, Phạm Văn Thông, Phó chánh Văn phòng Thành uỷ, trình Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá tạm tính là hơn 427 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2). Vài ngày sau, ông Cang bút phê 'đồng ý' với đề xuất trên.
Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2) và đã nhận của công ty này 374 tỷ đồng cùng 23 tỷ đồng tiền thuế. Đến cuối năm đó, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó bị hủy, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai số tiền trên cùng tiền lãi.
Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, khu dân cư Phước Kiển tại thời điểm phát hiện sai phạm (tháng 5/2018) có giá thị trường là hơn 621 tỷ đồng. CQĐT xác định ông Cang, Thông và 6 bị can khác đã không thực hiện thẩm định giá, để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường khi chuyển nhượng 324.000 m2 đất dự án, gây thất thoát tài sản Nhà nước là vốn của Thành ủy ở Công ty Tân Thuận hơn 202 tỷ đồng.
Tại dự án khu dân cư ven sông, cuối tháng 9/2017, ông Thiện ký văn bản gửi Văn phòng Thành uỷ xin chủ trương phân chia sản phẩm bằng hình thức hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ và thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Hai tháng sau, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ 32.967 m2 đất thuộc khu 4 dự án (tức dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong) Khu dân cư Ven Sông, quận 7 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m²,
Theo VKS, ông Thiện, Thông cùng 8 bị can khi chuyển nhượng đã không đấu giá theo quy định, gây thiệt hại hơn 532 tỷ đồng.
Như vậy, Cang và đồng phạm sai phạm trong việc bán rẻ 2 dự án gây thiệt hại cho nhà nước hơn 735 tỉ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng nêu, ngày 23/11/2017, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 6171 chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cơ quan CSĐT đã tách nhóm hành vi và tài liệu liên quan để tiếp tục làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan việc ban hành Quyết định 6171; trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai).