Đồng thời, Công an tỉnh Hải Dương phát đi cảnh báo, việc tự ý mua và sử dụng những phần mềm, thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật. Người dân tuyệt đối không vì hiếu kỳ mà tìm mua những sản phẩm, thiết bị này.
Một người phụ nữ không thể ngờ rằng clip quảng cáo chỉ là chiêu trò lừa đảo. Chị kể lại, do nghi ngờ người chồng của mình không chung thủy, nên đã lên mạng tìm mua phần mềm để nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại của chồng. Các đối tượng rao bán phần mềm nhiệt tình tư vấn và chỉ lộ diện sau nhiều lần lừa chị chuyển tiền cho chúng.
'Đối tượng yêu cầu chuyển nhiều loại phí: phí sử dụng phần mềm, phí sử dụng gói cước một năm, phí bẻ khóa mật khẩu. Tôi chuyển hơn chục triệu mà vẫn chưa xem được tin nhắn, thuê bao mình cần theo dõi', nạn nhân cho biết.
Cơ quan công an đã điều tra, bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo quê ở Vĩnh Phúc tại một căn hộ cho thuê trọ ở TP Hồ Chí Minh. Đối tượng chủ mưu khai nhận đã lập ra các tài khoản mạng xã hội giả danh các công ty công nghệ, chạy các clip quảng cáo tự cắt ghép, dàn dựng để lừa bán phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại. Hàng chục nạn nhân đã sập bẫy lừa với số tiền bị chiếm đoạt gần 140 triệu đồng.
'Đánh trúng tâm lý của nhiều người muốn theo dõi cuộc sống riêng tư của những người thân, vợ, chồng, con cái, hoặc các mối quan hệ xã hội. Các đối tượng đã đặt mua phần mềm trên mạng xã hội, dụ dỗ những người bị hại chuyển tiền, đăng nhập vào phần mềm đó thì thấy những giao diện nhìn giống như giao diện của phần mềm có thể đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại nhưng thực tế không phải như vậy', Trung tá Bùi Đăng Giáp, Điều tra viên, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương, cho hay.
Cơ quan công an cảnh báo, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện tràn lan các fanpage, hội nhóm quảng cáo, rao bán trái pháp luật các phần mềm, thiết bị theo dõi nghe lén, tiếp tay cho tội phạm.
'Luật pháp đã quy định rõ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Việc kinh doanh mua bán các thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình cũng phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của pháp luật. Để tránh bị sập bẫy lừa đảo và tránh bị coi là vi phạm pháp luật, người dân cần đề cao cảnh giác trước các thông tin, quảng cáo, rao bán các thiết bị này đang xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội', Đại úy Nguyễn Phi Hùng, Phó Đội trưởng Đội 3, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương, nhận định.
Mở rộng điều tra ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an cho biết vẫn đang tiếp tục làm rõ khoảng 200 giao dịch chuyển tiền với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng được chuyển vào các tài khoản ngân hàng ổ nhóm này nắm giữ. Số tiền trên có phải là tiền các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại? Ai là bị hại hãy đến Công an tỉnh Hải Dương trình báo để làm cơ sở xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Mua bán thiết bị theo dõi, nghe lén là phạm pháp
Vậy hành vi mua bán phần mềm, thiết bị theo dõi, nghe lén sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt như thế nào? Biện pháp nào để ngăn ngừa kẻ xấu theo dõi, đánh cắp các dữ liệu cá nhân, xâm phạm đời sống riêng tư.
Dưới góc độ pháp lý, hoạt động kinh doanh những sản phẩm này phải đáp ứng được những điều kiện quy định tại Nghị định 66/2017 và sản phẩm chỉ được phép bán cho những cơ quan, đơn vị chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng hay tố tụng hình sự. Trường hợp vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt lên đến 40 triệu đồng theo Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội và Nghị định 98/2020 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại.
'Trong trường hợp những người kinh doanh, bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị biết rõ cung cấp thiết bị cho những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 159 Bộ luật Hình sự. Mức phạt có thể lên đến 3 năm tù', Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội, cho biết.
Pháp luật cũng quy định rõ, những trường hợp được phép mua và sử dụng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị. Theo Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt 10 - 20 triệu đồng và hành vi mua bán, sử dụng trái phép những phần mềm, thiết bị này cũng có thể bị xử lý hình sự.
'Người sử dụng thiết bị này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 159 Bộ luật Hình sự trong trường hợp đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù', Luật sư Trần Thị Thanh Lam cho biết thêm.
Để ngăn ngừa kẻ xấu theo dõi, đánh cắp các dữ liệu cá nhân, xâm phạm đời sống riêng tư, khi mua những thiết bị điện tử, cần ghi nhớ không mua những thiết bị trôi nổi, nhập lậu, vì rất có thể bên trong thiết bị đó có gắn các modum có khả năng theo dõi, định vị vị trí người dùng.
'Chúng tôi khuyến cáo người dân trong quá trình sử dụng những thiết bị thông minh không cho người khác mượn, sử dụng thiết bị của mình. Người dân tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, không cài đặt những ứng dụng lạ. Vì làm như vậy, kẻ xấu sẽ lợi dụng những phần mềm độc hại đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm, theo dõi lịch trình di chuyển của gia đình, cá nhân để thực hiện mục đích xấu', Đại úy Nguyễn Phi Hùng, Phó Đội trưởng Đội 3, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương, cho hay.
Ngoài chuyện người mua vô tình bị vướng vào vong lao lý, một hệ lụy phức tạp khác những người mua bán loại thiết bị này có thể bị vướng phải đó là các thông tin nhạy cảm của cá nhân và gia đình mình sẽ bị lộ lọt, trở thành nguồn thông tin các đối tượng phạm tội sử dụng để tống tiền người mua. Do vậy khi mua các thiết bị này, người dân cần có những người có chuyên môn tư vấn kỹ lưỡng.