Hình ảnh từ camera ghi lại cảnh cậu bé cầm bật lửa đốt bạt phủ xe ô tô. Ảnh cắt từ clip
Trẻ nghịch ngợm, “đốt” xe hàng xóm
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một video thể hiện hành vi rất nghịch ngợm của một bé trai. Theo đó, video được phát cho thấy hình ảnh được ghi lại do camera an ninh của người dân. Nội dung video thể hiện tình huống xảy ra tại khu phố thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Trên đường phố, một chiếc ô tô được phủ kín bạt, đậu sát vỉa hè đường. Sau đó, một bé trai đi từ xa lại gần tiếp cận chiếc ô tô, tay cầm vật giống bật lửa bắt đầu châm vào phần bạt được phủ kín bên ngoài rồi rời đi. Lửa nhanh chóng lan rộng, cháy một mảng lớn phía cửa trước của xe. Khu phố lúc này vắng vẻ, không có ai qua lại. Khoảng chừng 3 phút sau, một người đàn ông ôm con nhỏ đi ngang qua, phát hiện ra sự việc liền lập tức chạy tới tháo gỡ phần bạt đang cháy. Sau khi hô hào, một người phụ nữ khác cũng từ trong nhà chạy ra cầm theo xô nước dập lửa. Vụ hoả hoạn may mắn được khống chế kịp thời.
Kèm theo đoạn video tường thuật sự việc, trên mạng xã hội cũng tiếp tục thông tin diễn biến sau đó. Cụ thể, sau khi sự việc xảy ra, một người phụ nữ nghi là mẹ của em nhỏ qua nói chuyện với gia đình chủ xe. Theo nội dung trò chuyện được camera an ninh ghi lại, ban đầu người phụ nữ này tự nhận mình làm việc trong lĩnh vực pháp luật và không chấp nhận bồi thường toàn bộ vì lý do 'ai làm người ấy chịu'.
Người phụ nữ cho rằng con bà còn nhỏ nên chưa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này, nên có chăng nếu nói chuyện tình cảm đôi bên thì gia đình đồng ý bồi thường một nửa số tiền thiệt hại xảy ra đối với phương tiện. Điều này khiến đôi bên bất đồng quan điểm và xảy ra tranh cãi. Tuy nhiên sau đó, cũng có thông tin cho biết, bố đứa trẻ đã chủ động sang gặp và thỏa thuận về việc bồi thường cho gia đình. Hai bên đã nhất trí về việc bồi thường, phương tiện cũng được mang ra garage sửa chữa vào sáng hôm sau.
Cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại thay con
Theo luật sư Nguyễn Thị Mai – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, điều này quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này. “Vậy là người có hành vi làm thiệt hại tài sản của người khác có nghĩa vụ phải bồi thường theo quy định của pháp luật” – luật sư Mai cho biết. Thế nhưng nếu chủ thể làm thiệt hại tài sản là con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất hành vi dân sự thì trách nhiệm bồi thường của cha mẹ thế nào.
Theo đó, tại điều 74 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định về bồi thường thiệt hại do con gây ra, cụ thể:
Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự. Đối với con chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. (Trừ trường hợp con gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý). Con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Nếu con gây thiệt hại không có tài sản thì cha, mẹ phải bồi thường. Nếu con gây thiệt hại có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.
“Cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại đối với trường hợp con dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường mà trường học chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc quản lý người con đó” – luật sư Mai phân tích.
Bên cạnh đó, nếu có cơ sở xác định hành vi được thực hiện bởi sự xúi giục của người lớn, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh. Trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, công an có thể khởi tố vụ án Cố ý làm hư hỏng tài sản để điều tra theo quy định.