Cặp vợ chồng bạo hành khiến bé gái 3 tuổi tử vong tại phiên xét xử. Ảnh: D.L
Cặp vợ chồng bạo hành khiến bé gái 3 tuổi tử vong
Theo hồ sơ vụ án, bé N.N.M.M là con của bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991) với người chồng thứ hai. Sau khi ly hôn, bé M. ở với bà ngoại.
Năm 2018, Lan Anh kết hôn với bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989). Tháng 10/2019, Lan Anh và Tuấn thuê căn hộ mini ở phường Phương Liên, quận Đống Đa để sinh sống, mua ma túy về cất giấu và sử dụng dần.
Ngày 5/3/2020, hai người đón bé M về sống chung song thường xuyên đánh, phạt. Sáng 29/3/2020, cháu M đòi ăn bánh gạo trong bữa sáng nên bị Tuấn phạt quỳ trong chậu nhựa đến khi xin lỗi mới được tha.
Từ 8h ngày 29/3 đến đến 2h sáng hôm sau, Tuấn và Lan Anh 6 lần dùng cán chổi nhựa, kim loại, kim khâu bạo hành khiến bé gái 3 tuổi tử vong.
Tại phiên sơ thẩm tháng 11/2020, TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án bạo hành trẻ em tàn ác nhất và gây bất bình xã hội nhất từ trước tới nay. 'Hành vi của 2 bị cáo đã bất chấp mọi giới hạn của luân lý, gây phẫn nộ xã hội. Dù 2 bị cáo bao biện phạm tội trong khi dùng ma túy, không tỉnh táo song pháp luật không có bất cứ hình thức giảm nhẹ nào với lý do này' - bản án nêu.
HĐXX đã tuyên Tuấn tử hình về tội Giết người, 30 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy; tổng hợp hình phạt là tử hình. Lan Anh bị phạt chung thân.
2 bị cáo sau đó có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Bố đẻ của bé M cũng kháng cáo cùng nội dung.
Tại phiên phúc thẩm ngày 20/9/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận các kháng cáo trên và tuyên Tuấn án tù chung thân, Lan Anh 21 năm 6 tháng tù, tổng hợp cho 2 tội danh.
Phút ăn nay của người mẹ bạo hành con. Ảnh: Việt Dũng
VKSND Tối cao: tòa phúc thẩm đã 'sai lầm nghiêm trọng”
Trong bản kháng nghị, VKSND Tối cao cho rằng, tòa phúc thẩm đã 'sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật; giảm án không có căn cứ pháp luật, đánh giá không đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo'. 2 bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới song vẫn được giảm án.
VKSND Tối cao nêu một số lý do kháng nghị: 2 bị cáo thực hiện hành vi với nhiều tình tiết định khung tăng nặng 'giết người dưới 16 tuổi' và 'có tính chất côn đồ'; hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện trong thời gian dài, ngày 9 - 30/3/2020.
Nạn nhân là bé gái mới 3 tuổi, mọi khả năng tự vệ, chống trả đều chưa có, sức chịu đựng hết sức non nớt, yếu đuối; Lan Anh là mẹ ruột và Tuấn là bố dượng cháu M, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc bé, nhưng đã không thực hiện mà còn phạt, đánh đập, tra tấn con.
Việc ủy quyền của đại diện người bị hại là không đảm bảo khách quan. Cụ thể, Lan Anh khi mang thai cháu đã sống ly thân với bố đẻ của bé. Sau vụ án, anh này cũng viết giấy ủy quyền cho bà Vũ Thị Dự là mẹ ruột của bị cáo Lan Anh (tức bà ngoại nạn nhân), để thay mặt tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án...
Tại phiên tòa phúc thẩm, bố đẻ bé M vắng mặt, bà Dự có mặt và được xác định tham gia tố tụng với tư cách đại diện người bị hại theo ủy quyền. Khi này, bà Dự lại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt với tội 'Giết người' cho cả 2 bị cáo.
VKSND Tối cao nhận thấy, bà Dự là mẹ ruột của bị cáo Lan Anh nên ý kiến 'không khách quan'. Bà cũng nhiều lần thay đổi nội dung kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà 'không nhất quán' khi xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Trong vụ án này, các bị cáo phạm tội 'Giết người', nạn nhân đã chết nên khi đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt sẽ không được xem xét, không được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
'Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là tình tiết giảm nhẹ mới nên đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là không có căn cứ pháp luật' - cơ quan công tố nêu.
Từ những căn cứ trên, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng, tuyên hủy án phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết, hình phạt của tòa sơ thẩm với mức án lần lượt tử hình và tù chung thân cho bị cáo Tuấn và Lan Anh.
Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành
Về việc kháng nghị này của VKSND Tối cao, luật sư Nguyễn Anh Thơm - luật sư bảo vệ quyền lợi của nạn nhân trong phiên sơ thẩm cho rằng, sau khi có kháng nghị của VKSND Tối cao, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị, phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành. Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định: không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao thì sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý hủy bản án phúc thẩm TAND Cấp cao ngày 20/9/2022 để xét xử lại theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm (tử hình bị cáo Nguyễn Minh Tuấn và tù chung thân bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh).