Câu hỏi: Chào bác sĩ Hoàng Thúy Hải! Cháu là nữ, năm nay 22 tuổi, quá trình dậy thì phát triển khá bình thường, tuy vậy chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, khá thất thường. Cháu biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bị chậm kinh như stress, chế độ ăn uống, vận động cũng như cơ địa của từng người. Cháu có cố gắng điều chỉnh được hơn 1 năm, chu kình kinh thường là 30 ngày hơn lệch 1-2 ngày. Nhưng trong khoảng thời gian tầm 3-4 tháng gần đây do mệt mỏi, áp lực công việc mới nên chu kỳ rất thất thường 45-47 ngày, có tháng còn dài hơn.
Cháu muốn hỏi bác sĩ liệu tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh sản sau này không và có thể có kinh tốt hơn không. Và có loại thuốc nào giúp điều kinh tốt hoặc thực phẩm nên sử dụng nhiều để cải thiện không ạ. Cháu đang rất lo lắng về việc này cũng như những dấu hiệu khi sắp đến ngày như đau lưng, cháu đau không đi được do xương chậu bị thương, đau đầu, tức ngực, thèm ăn ạ.
Mong thư hồi âm của bác sĩ, xin chân thành cảm ơn và kính chúc bác sĩ công tác tốt.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Cám ơn bạn đã chia sẻ, tâm sự với chúng tôi.
Bạn năm nay 22 tuổi, cơ thể đã phát triển gần như hoàn chỉnh, hoạt động của các cơ quan (kể cả cơ quan sinh sản) đã tương đối ổn định. Bạn là người có chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, cơ thể lại 'nhạy cảm' với các yếu tố bên ngoài (tinh thần, công việc, căng thẳng thần kinh…). Bạn cũng là người có sức chịu đựng hình như không tốt lắm, dễ bị phản ứng với kích thích. Các biểu hiện khi bạn gần đến ngày 'đèn đỏ' cũng là hiện tượng sinh lý bình thường, hay gặp ở nhiều người mà.
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường từ 28-32 ngày, trên 35 ngày được gọi là kinh thưa. Một năm chỉ có hành kinh 1-2 lần được theo dõi vô kinh thứ phát.
Nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh thứ phát khá phức tạp. Có thể do nguyên nhân tại cơ quan sinh dục (bệnh lý niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, do suy buồng trứng, do nội tiết sinh dục, hội chứng buồng trứng đa nang…); có thể do nguyên nhân ngoài cơ quan sinh dục (bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận, bị ốm hoặc mãn bệnh mãn tính khiến sức khỏe giảm sút, tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lý khác…); có thể do yếu tố bên ngoài như căng thẳng thần kinh, stress, sang chấn tinh thần, dinh dưỡng không hợp lý (gầy quá hoặc béo quá). Một người có thể bị rối loạn kinh nguyệt do một hay nhiều nguyên nhân.
Tìm nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt khá phức tạp, bạn cần được khám bệnh tại bệnh viện chuyên về sản phụ khoa (bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố hoặc trung ương) để tìm nguyên nhân mới điều trị được bạn nhé. Trường hợp của bạn có thể gặp trong bệnh buồng trứng đa nang hoặc lạc nội mạc tử cung. Bạn không nên tự ý mua thuốc về tự điều trị nhé.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan sinh sản của bạn, điều trị sẽ khó khăn, phức tạp hơn.
Bạn cũng biết bản thân mình là người nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài. Cố gắng điều chỉnh, hạn chế các yếu tố không có lợi cho bạn, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe, vừa ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp
TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được
bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).