Câu hỏi:
1. Thưa bác sĩ, cháu có hành kinh vào đầu năm lớp 7, năm nay cháu sắp lên lớp 8. Kinh nguyệt của cháu thường 1 tháng 1 lần và ra khoảng 7 ngày là hết. Vậy mà bây giờ sau 6 tuần cháu vẫn chưa có kinh là lý do tại sao vậy ạ? Cháu hoang mang quá, mong bác sĩ tư vấn giúp!
2. Xin chào bác sĩ. Bác cho em hỏi, tháng trước em bị sốt siêu vi, sốt cao lên đến 40 độ vào đúng chu kỳ kinh nguyệt, nhưng lại không có kinh. Tháng này cũng đến chu kỳ hành kinh và lại không có, em thấy rất lo lắng, không biết có ảnh hưởng gì không? Bác giải đáp thắc mắc giúp em với và cho em biết biện pháp khắc phục là gì ạ? Em cảm ơn bác sĩ!
Ảnh minh họa: Internet
Bác sĩ Tiin trả lời:
Các bạn rất quan tâm tới sức khỏe của mình, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cẩn thận thế là rất tốt.
Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên đánh dấu các bạn đã dậy thì, cơ quan sinh dục bắt đầu hoạt động, thực hiện các chức năng của mình. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt từ 28-35 ngày. Trước 20 ngày là vòng kinh ngắn, sau 45 ngày là vòng kinh dài. Các bạn trẻ khi bắt đầu dậy thì, vòng kinh có thể chưa đều do nội tiết chưa ổn định. Khi các bạn trưởng thành hơn, vòng kinh sẽ dần ổn định. Để tạo ra hành kinh hàng tháng đòi hỏi hoạt động của cơ quan sinh dục và các cơ quan liên quan phải ổn định, bình thường.
Bạn đang có hành kinh bình thường, tự nhiên kinh nguyệt 'biến mất', nguyên nhân hay gặp nhất là bạn có thai. Nếu bạn có quan hệ tình dục với người khác, không áp dụng biện pháp tránh thai, bạn dễ có thai và 'mất kinh'. Nguyên nhân này tự các bạn sẽ biết được.
Nếu các bạn chưa có quan hệ tình dục, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như:
Sức khỏe chung của cơ thể. Khi sức khỏe của bạn có vấn đề (bạn bị ốm, có bệnh lý cấp tính và mãn tính, suy dinh dưỡng, béo phì, căng thẳng thần kinh, gặp sang chấn tâm lý, thay đổi chế độ làm việc, học tập, nghỉ ngơi…) chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi (ngắn ngày - hành kinh đến sớm hơn hoặc dài ngày - hành kinh đến muộn so với thông thường).
Một số bệnh lý cơ quan khác như bệnh lý tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp hoặc bệnh lý cơ quan sinh dục như buồng trứng, tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu các bạn đang có hành kinh, tự nhiên mất kinh 3 tháng, được coi là vô kinh thứ phát, lúc này cần đi khám tìm nguyên nhân mới điều trị được.
Tình trạng của hai bạn hiện nay, nếu loại trừ nguyên nhân có thai, các bạn cứ yên tâm, đừng lo lắng quá, để cơ thể ổn định, khỏe hơn chắc chu kỳ hành kinh sẽ trở lại thôi. Lưu ý một số yếu tố lối sống đã được kể ở trên để có điều chỉnh thích hợp nhé.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).