Câu hỏi: Cháu là học sinh, sinh năm 2000, hiện tại đã 3 tháng cháu không thấy kinh nguyệt, mặt nổi nhiều mụn, liệu có bị làm sao không thưa bác sĩ?
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Hành kinh (đèn đỏ, nguyệt san) lần đầu tiên là sự kiện 'đánh dấu' các bạn nữ bắt đầu dậy thì. Đây là hiện tượng sinh lý, trong đó mỗi tháng một lần người phụ nữ ra huyết từ tử cung qua âm đạo, âm hộ ra ngoài. Để có hành kinh hàng tháng, tất cả hoạt động nội tiết của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, tình trạng niêm mạc tử cung đều phải 'thông suốt', ổn định. Vì thế, kinh nguyệt được ví như 'tấm gương' phản ánh sức khỏe người phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt thường từ 28- 32 ngày, thậm chí đến 45 ngày vẫn được coi là bình thường. Khi các bạn mới bắt đầu có hành kinh, lúc này do nội tiết chưa ổn định nên chu kỳ kinh nguyệt có thể chưa đều, chu kỳ lúc ngắn lúc dài, có khi 2-3 tháng mới lại có hành kinh. Sau 1-2 năm các bạn trưởng thành hơn, nội tiết ổn định dần, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều đặn hơn.
Các bạn đều ở lứa tuổi 16-19 tuổi, thời gian có hành kinh cũng đã lâu, nếu không có hành kinh trong thời gian 3 tháng (với những người có chu kỳ hành kinh đều đặn) hoặc 6 tháng (nếu có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn) được gọi là vô kinh thứ phát.
Vô kinh thứ phát có thể gặp trong bệnh lý ở vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, tử cung. Có thể là triệu chứng của bệnh khác như bệnh lý tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng, bệnh tâm thần… thậm chí do nhiều nguyên nhân kết hợp. Với mỗi loại bệnh lý sẽ có các triệu chứng đi kèm khác nhau. Một số trường hợp dùng thuốc hormone tránh thai kéo dài có thể gây vô kinh thứ phát.
Hay gặp nhất là vô kinh thứ phát nguyên nhân do buồng trứng (buồng trứng suy tàn sớm, có khối u nam tính hóa hoặc buồng trứng đa nang). Buồng trứng không hoạt động bình thường, nội tiết tố sinh dục nữ không được sản xuất tốt làm cho trứng không 'rụng' gây hiện tượng không có hành kinh.
Để tìm nguyên nhân gây vô kinh thứ phát các bạn phải đến khám ở các bệnh viện, trung tâm chuyên về sản phụ khoa, có kỹ thuật, phương tiện hiện đại, có thể phải khám ở các bệnh viện chuyên về nội tiết khác nữa. Chỉ khi tìm được nguyên nhân mới chẩn đoán và điều trị được bệnh.
Việc điều trị cũng rất phức tạp, cần có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp các bạn tự điều trị sẽ không khỏi bệnh, thậm chí có hại cho sức khỏe của mình. Để lâu, không điều trị trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nhất là việc có thai tự nhiên sau này.
Vì thế các bạn cần đi khám tại bệnh viện chuyên về sản phụ khoa tuyển tỉnh, thành phố hoặc Trung ương nhé. Hy vọng các bác sĩ sẽ khám và điều trị được bệnh cho các bạn. Nguyên tắc là phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn, biết 'lắng nghe cơ thể mình' để phát hiện dấu hiệu lạ sớm nhất, thông báo với bác sĩ điều trị.
Nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) ngoài tác dụng lên cơ quan sinh sản cũng có tác động đến các cơ quan khác (xương, da, niêm mạc, lớp mỡ dưới da…). Vì thế các bạn đừng quá lo lắng về các vấn đề khác. Quan trọng là giải quyết được tình trạng vô kinh đã nhé.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp
TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được
bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).