Con lười học, bướng bỉnh là những vấn đề luôn khiến cha mẹ phải đau đầu, trăn trở. Mỗi ngày cha mẹ phải tốn rất nhiều thời gian nhắc nhở, la mắng, thậm chí theo sát, ngồi hàng giờ cùng con học bài nhưng tình hình không hề cải thiện, chỉ cần sơ hở một chút là con vịn đủ lý do để ngừng học. Trên thực tế, có hơn 90% trẻ thích chơi hơn thích học. Thay vì buồn phiền, khó chịu, điều cha mẹ cần làm lúc này chính là tìm hiểu tại sao trẻ lười học.
Ảnh minh họa
Con lười nhác không hẳn xuất phát từ bản thân chúng. Đôi khi trong việc học có điều làm cho trẻ không cảm thấy hứng thú, hoặc chúng bị tác động bởi những người xung quanh. Khi thấy con lười biếng, cha mẹ không nên vội vàng phán xét, trách móc con trẻ. Cha mẹ - với tư cách là người thầy đầu tiên, lời nói và hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành và phát triển của con. Nếu con có vấn đề, cha mẹ cũng nên xem xét lại bản thân mình.
Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, đôi khi có một số nguyên nhân khiến trẻ lười học lại xuất phát từ những hành vi quen thuộc của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái hằng ngày.
Ba thói quen xấu của cha mẹ đang âm thầm khiến con ỷ lại, lười nhác hơn mỗi ngày:
1. Hay hứa suông và thường xuyên thất hứa
Khi muốn con hoàn thành một công việc nào đó, nhiều bậc cha mẹ hay có thói quen đưa ra lời hứa để 'dỗ ngọt', khuyến khích con thực hiện, nhưng sau đó cha mẹ lại quên đi hoặc không muốn thực hiện lời hứa đó nữa. Ví dụ, cha mẹ thường xuyên nói: 'con làm bài tập về nhà trước, rồi ba sẽ mua đồ chơi cho con', 'con làm việc này, rồi cuối tuần ba mẹ sẽ đưa con đi chơi sở thú',... nhưng cuối cùng phụ huynh lại không thực hiện và cho rằng con sẽ không để tâm đến những lời nói suông đó.
Ảnh minh họa
Nếu hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần, theo thời gian trẻ sẽ cảm thấy lời nói của cha mẹ không còn uy tín, những lần sau sẽ làm mất lòng tin ở trẻ đối với cha mẹ. Kết quả là, trẻ xem lời nói của cha mẹ là vô giá trị, cho nên lời nói của cha mẹ không còn 'sức nặng' để trẻ phải nể phục và nghe theo nữa.
2. Thường xuyên đe dọa, áp đặt và ra lệnh cho con
Những lời đe dọa và ra lệnh của cha mẹ không chỉ không giúp ích được gì, mà còn gây phản tác dụng đối với những đứa trẻ đang trong độ tuổi nổi loạn, vì chúng sẽ cảm thấy không được tôn trọng khi cha mẹ đe dọa, áp đặt mình.
Ảnh minh họa
Ví dụ, cha mẹ thường xuyên nói: 'nếu con không nghe lời, thì đừng gọi mẹ là mẹ', 'nếu không làm đủ bài tập về nhà, thì trưa nay đừng ăn cơm' , 'Nếu con không chịu đứng dậy đi về, thì mẹ sẽ về trước và cho con ở lại đây một mình',... Chính những lời nói vô tình trong lúc nóng giận như thế sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ không còn yêu thương mình và chúng không có cảm giác an toàn.
Cảm giác an toàn là nền tảng tạo nên sự tự giác, kỷ luật. Một đứa trẻ suốt ngày luôn mang tâm trạng bất an, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, tinh thần của trẻ.
3. Luôn đi theo sát bên để nhắc nhở, thúc giục con ở mọi lúc mọi nơi
Nhiều phụ huynh chỉ vì lo lắng thái quá, nên quen với việc theo sát con mình ở mọi lúc, mọi nơi để thúc giục, nhắc nhở con làm bài tập, làm việc nhà,... Sự thúc giục của cha mẹ cũng giống như 'đồng hồ báo thức' khiến con cái trở nên ỷ lại, cha mẹ nhắc nhở thì con làm, cha mẹ không nhắc thì con cũng quên không làm.
Ảnh minh họa
Việc cha mẹ thường xuyên thúc giục sẽ khiến trẻ dần hình thành thói quen hay chần chừ, trì hoãn, mất đi tính tự lập, tự giác. Thay vì đi theo thúc giục trẻ như một 'chiếc máy nói', cha mẹ có thể sử dụng phương pháp 'giấy ghi chú' để chia việc con cần làm thành những mục tiêu nhỏ mà con cần phải thực hiện mỗi ngày.
Thay vì đưa ra những lời hứa với con hay áp đặt, ra lệnh cho con, cha mẹ hãy cùng con thương lượng để cả hai bên đạt được sự thỏa thuận. Cùng con thương lượng chính là biểu hiện của việc con cái được cha mẹ đối xử bình đẳng và tôn trọng. Để con tự giác học tập, cha mẹ cần giáo dục con theo cách tích cực và lành mạnh, cho con nếm trải cảm giác hạnh phúc khi tự thân hoàn thành công việc mà không cần sự can thiệp của cha mẹ.