Học sinh đến trường học trực tiếp. (Ảnh minh họa).
Sẵn sàng các phương án
Ông Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thời điểm này đang cho lớp ôn tập môn Toán và Tiếng Việt để chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa học kỳ 2. Nếu như đầu tháng 4, dịch bệnh ổn định, học sinh tiểu học được trở lại trường thì việc kiểm tra sẽ tổ chức trực tiếp như bình thường. Nếu chưa mở cửa trường học thì cả lớp sẽ kiểm tra trực tuyến. Việc này các em học sinh đã dần quen nên cả thầy và trò cũng không còn bỡ ngỡ.
Các em sẽ dùng thiết bị điện thoại, máy tính… chiếu trực tiếp toàn cảnh khu vực ngồi làm bài kiểm tra, bật camera và micro trong suốt giờ kiểm tra và sẽ do giáo viên khác trong trường trông thi để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng và khách quan.
'Giờ thi sẽ bố trí vào buổi tối nếu thi trực tuyến hoặc vào cuối tuần để phụ huynh học sinh có thể trợ giúp nếu xảy ra lỗi về đường truyền mạng hay thiết bị. Trong trường hợp có lỗi xảy ra như 1 học sinh bị rớt mạng trong học kỳ trước, em đó sẽ được bố trí thêm thời gian làm bài và nộp sau so với các bạn' - ông Hiếu thông tin.
Tại một số trường như THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), khi kiểm tra trực tuyến, trường yêu cầu mỗi học sinh phải có 2 camera chiếu toàn cảnh trong suốt thời gian làm bài. Trong đó, 1 camera chiếu thẳng từ máy tính xuống tay và mặt, một máy tính chiếu góc rộng và mỗi phòng thi có 2 giáo viên giám sát.
Điều này giúp hạn chế việc gian lận trong kiểm tra nhưng cũng chỉ là giải pháp kỹ thuật, không thể nói là triệt để. Vẫn có tình trạng học sinh không nghiêm túc để đạt điểm số cao hơn như nhìn nhận của ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Chia sẻ quan điểm này, bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Phúc (Hà Nội) cho rằng, nếu vẫn học trực tuyến thì kiểm tra trực tuyến cũng là phù hợp. Ngay cả học sinh lớp 1 cũng đã làm quen với hình thức kiểm tra này từ học kỳ I nên không còn bỡ ngỡ. Trong đó, môn Toán kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm, chọn đáp án đúng. Tiếng Việt yêu cầu viết chính tả và tập đọc.
Từ thực tế kiểm tra kết quả học kỳ I cho thấy đa số học sinh đạt yêu cầu với nhiều em đạt điểm cao. Nếu kiểm tra trực tiếp sẽ không đạt mức điểm đó. Điều này cũng dễ hiểu nhưng phải chấp nhận khi học trực tuyến. Tuy nhiên, đây chỉ là một kênh đánh giá học sinh tiểu học bởi giáo viên chủ nhiệm sẽ căn cứ cả quá trình học tập các em nỗ lực ra sao để nhìn nhận.
Mỗi ngày các thầy cô đều sát sao với các em nên biết rõ đâu là điểm thực chất, đâu là điểm do phụ huynh hỗ trợ nên phụ huynh yên tâm về sự công bằng, khách quan trong đánh giá học sinh.
'Chúng tôi vẫn hy vọng việc học trực tiếp sẽ trở lại đê thực hiện bài kiểm tra trực tiếp mới có thể đánh giá đúng chất lượng thực sự. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho nhóm yếu, tránh để lên lớp nhưng chất lượng không đạt' - bà Thu nói.
Đổi mới nội dung kiểm tra
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bài kiểm tra định kỳ phải đảm bảo đánh giá năng lực học sinh thể hiện ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao sau một quá trình học nào đó.
Trong trường hợp học sinh phải làm bài kiểm tra trực tuyến, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để giám sát, việc đổi mới nội dung đề kiểm tra cần được chú trọng. Trong đó, cần có các câu hỏi đúng mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, học sinh không nắm vững kiến thức thì có tra Google hay giở tài liệu cũng không làm được.
Đây cũng là nội dung được nhiều nhà trường quán triệt tới giáo viên bởi khi sử dụng giải pháp kỹ thuật để giám sát sẽ khó triệt để mà áp dụng đổi mới nội dung đề thi mới là yếu tố quan trọng. Giáo viên có thể linh hoạt áp dụng đa dạng hình thức kiểm tra để đánh giá học sinh ngoài bài kiểm tra trực tuyến, có thể là các bài thuyết trình, làm sản phẩm để trả bài…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quan trọng nhất đó là giáo dục ý thức học tập và thi cử trung thực cho người học, tuyên truyền để phụ huynh hiểu và nhờ phụ huynh giám sát, nhắc nhở con làm bài nghiêm túc…
Nếu ngay từ đầu giáo viên giúp phụ huynh, học sinh hiểu rằng điểm số không phải là tất cả. Kiểm tra là để biết điểm mạnh, điểm yếu của học sinh, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp các em tốt hơn ở những nội dung chưa đạt yêu cầu... thì có lẽ sẽ không nhiều phụ huynh 'cố' giúp con nâng điểm số thực bằng cách làm hộ hay nhắc bài con.
Tuy nhiên, mong muốn chung của các nhà trường và cả người học đó là sớm mở cửa trường học trở lại để học sinh được đến trường học tập, giao lưu với thầy cô, bạn bè vì sống chung với dịch Covid-19 là điều cả xã hội đang thực hiện, trường học, dù là cấp tiểu học cũng không nên là một ngoại lệ.