Dùng 1 lần rồi thôi
Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai từ lớp 1. Đến năm học 2021-2022, chương trình tiếp tục được thực hiện ở lớp 2 và lớp 6. Năm học tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Theo chương trình mới, có 3 bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được phê duyệt, đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023, gồm: hai bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế liên kết sản xuất.
Năm học 2021-2022, chương trình mới được thực hiện ở lớp 2 và lớp 6.
Như đã phản ánh ở bài viết trước, giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới của tất cả các NCB đều tăng gấp 2, 3 lần so với chương trình hiện hành. Điều này gây áp lực không nhỏ với phụ huynh học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Bên cạnh nỗi lo về giá thành SGK tăng đột biến, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc sử dụng SGK hiện nay đang gây lãng phí vì gần như SGK cũ không thể tận dụng cho những năm học tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, vấn đề này không mới mà đã được nhắc tới nhiều trong thời gian qua.
Theo bà Minh, với học sinh thành phố, khi con đi học, phụ huynh có điều kiện dễ dàng mua SGK mới cho con, thậm chí còn có gia đình mua 2 bộ SGK mới, một bộ học trên lớp, một bộ học ở nhà. Tuy nhiên với gia đình khó khăn, vùng nông thôn thì ngược lại.
Thu nhập cả 2 vợ chồng bấp bênh nên cứ đến dịp đầu năm học mới chị Nguyễn Thảo Trang (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) lại thắt chặt chi tiêu, dành dụm tiềm sắm sửa sách vở, quần áo… cho các con.
Chị Trang cho biết: 'Có năm vì khó khăn nên tôi đi xin sách cũ cho con học nhưng với chương trình mới hiện nay, sách chỉ dùng một lần nên không thể tiết kiệm dùng sách cũ mà phải mua sách mới. Với gia đình nông thôn như nhà tôi thì việc không tận dụng được SGK cũ rất phí'.
Nhà chị Nguyễn Vân Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) vốn đông chị em nên thời chị đi học, một bộ sách được sử dụng từ chị cho tới em. Mỗi khi kết thúc năm học, chị cất SGK cũ cẩn thận để giữ cho em học hoặc tặng cho hàng xóm.
'Việc tận dụng sách cũ không chỉ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt gia đình mà còn rèn cho trẻ tính tiết kiệm, ý thức sử dụng sách cẩn thận, sạch sẽ, biết san sẻ khó khăn với người khác. Nhìn chung, trong cơn bão giá hiện nay, một bộ SGK tăng giá cũng dễ hiểu. Song nội dung SGK liên tục thay đổi, dù muốn dùng lại sách cũ cũng không được', chị Vân Anh chia sẻ.
Giá sách tỉ lệ nghịch với 'tuổi thọ'
Theo chương trình mới, để chọn được những bộ SGK phù hợp nhất, các trường học được lựa chọn SGK theo từng năm học. Thế nên, việc lựa chọn SGK không phải một lần là xong. Nhiều trường lựa chọn SGK sử dụng giảng dạy trong năm học này nhưng sang năm học sau lại lựa chọn SGK của NXB khác. Điều này vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tâm lý cho nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Lý giải về điều này, Phó hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, mỗi bộ SGK đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Năm học này, với lớp 6, nhà trường cũng lựa chọn lại một số đầu SGK của NXB khác so với năm học trước bởi thấy nội dung của những đầu SGK này có hướng tiếp cận phù hợp hơn.
Theo chuyên gia, một chương trình nhiều SGK là chủ trường đúng nhưng nếu thực hiện không khéo thì học sinh, phụ huynh sẽ tốn kém hơn khi phải mua nhiều bộ SGK khác nhau.
Để tránh lãng phí trong việc lựa chọn, sử dụng SGK, năm học tới đây, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tiếp tục giảng dạy bộ SGK lớp 6 của năm học này. Ông Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, qua một năm triển khai chương trình mới với lớp 6, nội dung bộ SGK mà trường lựa chọn phù hợp với tình hình địa phương. Nhà trường chỉ thay đổi SGK nếu nội dung sách có nhiều 'sạn'.
Ông Thượng cho biết, nhà trường cũng đã hoàn thành xong việc lựa chọn SGK lớp 7 theo chương trình mới. Nguyên tắc của trường trong việc lựa chọn SGK để tránh lãng phí là chung thủy với theo nhóm tác giả bộ SGK của năm trước để theo mạch, kết cấu kiến thức, thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Sau một năm, hội đồng chuyên môn của trường sẽ nghiên cứu và điều chỉnh lại nếu bộ SGK đó không phù hợp.
Trở lại thời điểm chương trình mới chuẩn bị triển khai với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022, NXB Giáo dục Việt Nam bất ngờ thông báo hợp nhất từ 4 bộ SGK ở lớp 1 thành 2 bộ SGK ở lớp 2. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 bộ sách bị 'xóa sổ' không thể sử dụng được nữa.
Mặc dù theo lý giải của NXB Giáo dục Việt Nam, việc hợp nhất các bộ SGK không ảnh hưởng đến học sinh. Tuy nhiên nhiều phụ huynh, chuyên gia cho rằng, việc mỗi lớp học một bộ SGK là điều đáng lo ngại, thể hiện sự thiếu ổn định và nhất quán của NXB Giáo dục Việt Nam trong công tác biên soạn và phát hành SGK mới.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam nhìn nhận, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chủ trương một chương trình, nhiều SGK là đúng đắn, đảm bảo tính dân chủ, sử dụng trí tuệ khác nhau của nhiều nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên vấn đề về SGK hiện nay đang tồn tại một số bất cập.
TSKH Nguyễn Mậu Bành cho rằng, việc mỗi năm sử dụng một bộ SGK của nhóm tác giả khác nhau dẫn tới tình trạng nội dung không xuyên suốt, thiếu thống nhất. Chuyên gia này lấy ví dụ trường hợp năm học này sử dụng bộ SGK lớp 6 của nhóm tác giả A, nhưng sang năm học lớp 7, nhà trường sử dụng SGK của nhóm tác giả B. Như vậy có thể có nội dung kiến thức ở SGK lớp 6 bị lặp lại ở SGK lớp 7 hoặc ngược lại có thể bị thiếu vì cách tiếp cận của các nhóm tác giả khác nhau.
'Một chương trình, nhiều SGK là chủ trường đúng nhưng nếu thực hiện không khéo thì học sinh, phụ huynh sẽ tốn kém hơn khi phải mua nhiều bộ SGK của các nhóm tác giả khác nhau', GS.TSKH Nguyễn Mậu Bạnh nói.
Sau 2 năm chương trình mới được triển khai, rõ ràng, giá SGK đang tỷ lệ nghịch với 'tuổi thọ' của các bộ sách. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT nên đưa ra những phương án chặt chẽ hơn nữa trong khâu thẩm định, lựa chọn SGK để tạo tâm lý yên tâm học tập cho học sinh và cả phụ huynh.